Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất thu 800.000 đồng/học sinh tập văn nghệ: Ban phụ huynh thu sai quy định

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan đến đề xuất của phụ huynh lớp 11 Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) thu 800.000 đồng/học sinh cho hoạt động văn nghệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phụ huynh thu như vậy là sai.

Ghi rõ số tiền đề xuất là không đúng

Ngày 5/12, mạng xã hội xôn xao về đề xuất của Ban phụ huynh một lớp 11 thuộc Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) về việc mỗi học sinh nộp 800.000 đồng để tổ chức buổi chuyên đề văn nghệ.

Sự việc bắt đầu từ chia sẻ của một phụ huynh có con học lớp 11 tại trường này. Vị phụ huynh cho biết: cách đây ít ngày, Ban phụ huynh lớp đã nhắn trong nhóm lớp về việc đóng tiền cho học sinh tổ chức chương trình biểu diễn "Mùa Xuân dâng Đảng" với thời lượng 45 phút vào đầu tháng 2/2025.

Một phần nội dung tin nhắn có nội dung đề xuất khoản đóng góp của phụ huynh Trường THPT Thăng Long được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tin nhắn có nội dung đề xuất khoản đóng góp của phụ huynh Trường THPT Thăng Long được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nội dung thông báo nêu: "Để chương trình được tổ chức quy mô với bố trí thời gian hợp lý nhất cho các con vừa bảo đảm việc học và thi tốt học kỳ 1, Ban phụ huynh lớp đã mời thầy biên đạo cùng các bạn cán sự lớp lên chương trình, có kế hoạch tổ chức cho các con tập dần để kịp chương trình của trường.

Do kinh phí thực hiện cũng tốn nhiều chi phí nên Ban phụ huynh đề xuất mỗi bạn đóng thêm số tiền là 800.000 đồng. Ban phụ huynh rất mong sự đồng lòng và đồng hành của cha mẹ học sinh trong sự kiện lớn của các con. Ngoài đóng theo quy định, Ban phụ huynh xin kêu gọi các mạnh thường quân có thể đóng nhiều hơn để ủng hộ thêm kinh phí cho các hoạt động, nước, thuê phòng tập... cho các con". Đồng thời, Ban phụ huynh cũng đề xuất khoản thu này thực hiện trước ngày 5/12.

Chia sẻ của phụ huynh kèm những dòng đề xuất có nội dung trên được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, số tiền chi cho một buổi biểu diễn văn nghệ mà thu 800.000 đồng/học sinh là quá cao và lãng phí; cần tuyệt đối cấm những hình thức kêu gọi kiểu “ép buộc” như trên trong nhà trường.

Chia sẻ về sự việc, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long Lê Trung Tín cho biết, nhận được phản ánh, Ban giám hiệu đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, Ban phụ huynh của lớp để làm rõ thông tin và xác nhận: một số phụ huynh lớp 11 có mong muốn tạo điều kiện cho các con được biểu diễn với trang phục có đầu tư, giúp các con ghi lại dấu ấn của thời học sinh trong hoạt động văn nghệ, văn hóa nên đã đề xuất mức thu chứ không ép buộc. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc ghi rõ số tiền đề xuất là không đúng, cần tuân thủ tinh thần đóng góp tự nguyện của phụ huynh.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, nhà trường sẽ quán triệt chặt chẽ với các lớp để không để xảy ra sự việc tương tự.

Được biết, theo truyền thống của Trường THPT Thăng Long, mỗi lớp sẽ có dịp để biểu diễn văn nghệ, ca hát, kịch trước toàn trường. Mục đích của hoạt động giúp các em kết nối, rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn trong hoạt động tập thể, phát huy khả năng của bản thân. Toàn bộ quá trình tập luyện, biên đạo hay biểu diễn đều do các lớp chủ động. Ngay từ đầu năm học, Trường THPT Thăng Long đã quán triệt tinh thần tổ chức tiết kiệm, không cầu kỳ, màu mè và khuyến khích học sinh mặc đồng phục trong biểu diễn.

Tránh lãng phí

Văn hóa, văn nghệ tại trường học là hoạt động lành mạnh, mang đến sân chơi để học sinh phát triển toàn diện; đồng thời tạo không khí phấn khởi, sôi nổi trong các nhà trường.

Một tiết mục văn nghệ của học sinh (Ảnh minh họa)
Một tiết mục văn nghệ của học sinh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không ít sự việc tương tự như Trường THPT Thăng Long cũng đã từng xảy ra, gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, đầu tháng 11/2024, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Quận 12, TP Hồ Chí Minh từng gây xôn xao khi chia sẻ thư ngỏ kèm dự trù kinh phí cho một tiết mục văn nghệ biểu diễn chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại trường là gần 22 triệu đồng.

Thư ngỏ của Ban phụ huynh nêu rõ: tiết mục hát dân ca có chi phí biên đạo 10 triệu đồng, chi phí thuê trang phục 5,61 triệu đồng, tiền ăn và nước uống cho 10 bạn trong đội văn nghệ cùng với các hoạt động thể thao sẽ hết 6 triệu đồng. Tổng chi phí cho tiết mục này là 21,61 triệu đồng. Ban phụ huynh của lớp mong nhận được sự ủng hộ, quan tâm sâu sắc, chia sẻ của từng phụ huynh trên tinh thần xây dựng, đồng hành với lớp, để các con có được những hoạt động vui chơi, sự tri ân đầy ý nghĩa…. 

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh sau khi biết sự việc đã yêu cầu giáo viên và Ban đại diện cha mẹ phụ huynh lớp xem xét phương án phù hợp, không được vận động, quyên góp phụ huynh số tiền lớn như vậy.

Tháng 10/2023, mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin hội phụ huynh một lớp 8 ở Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) huy động thu 700.000 đồng/học sinh để mua áo đồng phục và diễn văn nghệ. Nhà trường sau đó đã yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp này thu hồi thông báo và không được triển khai thu tiền trên vì sai quy định và sai với tinh thần chỉ đạo của nhà trường. 

Nếu như trước đây, việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ là “cây nhà lá vườn”, do học sinh, thầy cô hoặc phụ huynh tự biên, tự diễn thì nay, các tiết mục thường được đầu tư thuê biên đạo, trang phục, đạo cụ... với chi phí tiền triệu.

Việc đầu tư cho các tiết mục văn nghệ là vô cùng và tùy quan điểm cá nhân; nhưng rõ ràng, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, mức chi phí dự toán không nên lãng phí và tuyệt đối tránh đưa mức thu cụ thể, bình quân để tránh ồn ào không đáng có, ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh.