Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021. Đây là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo CEO Công ty Take Profit Phan Linh, hiện nay, các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai chiếm khoảng 2% GDP. “Nếu gói phục hồi kinh tế tương đương gần 35 tỷ USD này được thông qua cộng với các gói hỗ trợ hiện tại thì tỷ lệ này tương đương khoảng đâu đó 13%. Có thể thấy, quy mô của gói này là khá lớn”- ông Linh cho hay.
Dù gói hỗ trợ này nếu được thông qua sẽ triển khai trong nhiều năm, tuy nhiên, những thông tin này đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK). Thực tế cho thấy, mấy phiên gần đây, thông tin về việc đề xuất gói hỗ trợ này là một trong những yếu tố giúp VN-Index đi lên, lập nhiều kỷ lục.
Tương tự, báo cáo chiến lược mới nhất của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra kịch bản lạc quan, dự báo VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng tích cực, hướng tới vùng cao mới từ 1.500 – 1.550 điểm trong tháng 11 nhờ tâm lý tích cực và gói hỗ trợ kinh tế đang được trình xem xét. Các yếu tố hỗ trợ kịch bản này bao gồm dòng tiền tăng trưởng, luân chuyển ở các nhóm ngành và sự đồng thuận của khối ngoại sẽ hỗ trợ xu hướng tăng điểm.
Ngoài ra, các chuyên gia BSC dự báo, P/E VN-Index sẽ tăng lên mức 17,5 lần do kết quả kinh doanh quý III tương đối tích cực đã giúp nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, tài chính có mức tăng trưởng ấn tượng. Thêm vào đó, trong tháng 11, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đang dần khôi phục sau khi tình trạng bình thường hóa được đẩy mạnh.
Một yếu tố khác cần quan tâm là xu hướng tăng lãi suất của các nước khu vực thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. FED có thể thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào tháng 11 và hoàn thành vào giữa năm 2022. Lãi suất có thể bắt đầu tăng trong năm 2022 sẽ khiến rủi ro tăng lên, qua đó làm giảm sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như thị trường toàn cầu.
Về chiến lược đầu tư trong tháng 11, BSC tiếp tục khuyến nghị đầu tư đối với các ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên vật liệu (như đá, thép, xi măng, nhựa đường…) đang được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể nắm giữ các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa kinh tế sau đại dịch như bán lẻ, vận tải, sản xuất và nhóm cổ phiếu có tiềm năng hồi phục tốt trong và sau dịch như công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông.
Kết thúc phiên sáng 3/11, chỉ số VN-Index từ tăng 10 điểm ngoạn mục vượt 1.460 điểm, đã đảo chiều trong nháy mắt xuống 1.447,9 điểm khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Toàn sàn có 136 mã tăng, 313 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,19%) xuống 423,3 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 152 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,11%) xuống 106,81 điểm.