Đến nay, trên địa bàn TP có tổng số 1.178 điểm đỗ, bãi đỗ xe có phép với tổng diện tích 42,92ha, chiếm khoảng 56,94% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm đỗ, bãi đỗ xe công cộng được cấp phép này mới chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đề án phát triển mạng lưới giao thông tĩnh được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu trước mắt và phù hợp quy hoạch chung xây dựng TP. Cụ thể, các bến xe liên tỉnh hiện có như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình sẽ được giữ lại để hỗ trợ cho các bến xe liên tỉnh mới kết hợp phục vụ VTHKCC; các bến xe liên tỉnh xây mới sẽ bố trí chủ yếu ở ngoài đường Vành đai III; khu vực nội đô có quỹ đất hạn chế sẽ phát triển loại hình bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, bãi đỗ xe theo công nghệ lắp ghép hiện đại, thi công dễ dàng để khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có. Đồng thời sắp xếp lại toàn bộ các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe hiện có cho hợp lý, đồng thời loại bỏ các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe không hợp lý gây UTGT và mất ATGT; tận dụng tối đa các khoảng đất trống công cộng để bổ sung thêm các điểm đỗ xe phù hợp. Trước mắt, Sở GTVT đề xuất xây dựng thí điểm 20 điểm đỗ xe cao tầng cơ giới tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Cụ thể, từ năm 2011 - 2015 sẽ kêu gọi đầu tư 9 điểm đỗ xe cao tầng cơ giới; từ năm 2016 - 2020 tiếp tục đầu tư thêm 11 điểm đỗ. Đồng thời, thí điểm xây dựng một số điểm dừng đón, trả khách đi taxi có điều hành tại các trung tâm thương mại lớn, các bệnh viện lớn và nhà ga đầu mối…
Cũng theo ông Linh, qua rà soát tại 8 quận cho thấy, quận Hoàn Kiếm đề xuất tiếp tục cấp phép 59 điểm; quận Hai Bà Trưng 33 điểm; quận Đống Đa 18 điểm; quận Ba Đình 35 điểm; quận Cầu Giấy 28 điểm; quận Thanh Xuân 7 điểm; quận Tây Hồ 7 điểm; quận Hoàng Mai 14 điểm.