Đề xuất xây cầu Đuống mới trị giá gần 1.800 tỷ đồng

Phạm Công/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban QLDA 6 vừa trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng.

Xây dựng 3 phương án
Theo tờ trình của Ban Quản lý Dự án (QLDA) 6, dự án sẽ tiến hành đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m và xây dựng mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, khổ thông thuyền cầu đường bộ cấp II (rộng 50m, cao 9,5m), khổ thông thuyền đường sắt cấp II hạn chế tĩnh không (rộng 50m, cao 7m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Ban QLDA 6 đã nghiên cứu và đưa ra 3 phương án đầu tư đối với cầu đường sắt sông Đuống xây dựng mới:
Phương án 1, tiến hành xây dựng mới đoạn đường sắt quốc gia Vành đai phía Đông dài khoảng 59km (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Thường - Bắc Hồng), không khai thác khu gian từ Gia Lâm - Yên Viên, tháo bỏ cầu Đuống hiện tại.
Phương án 2 được Ban QLDA 6 đề xuất là xây dựng cầu mới phía thượng lưu cách cầu cũ khoảng 16,5m tại vị trí quy hoạch tuyến Line 1, nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m đảm bảo thông thuyền đạt cấp II, tĩnh không hạn chế rộng 50m, cao 7m.
Phương án cuối cùng là giữ cầu Đuống hiện tại, cải tạo làm mới kết cấu nhịp, làm mới hệ thống nâng hạ nhịp chính khoang thông thuyền, đảm bảo đạt cấp II, rộng 50m, cao 9,5m.
Theo Ban QLDA 6, cả 3 phương án đầu tư cầu đường sắt đều phải đầu tư hoàn trả cầu Đuống đường bộ đi chung đường sắt. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích, so sánh các phương án, Ban QLDA 6 cho rằng phương án 2 là khả thi hơn.
 Cầu Đuống hiện tại đang được sử dụng.
Ban QLDA 6 cho rằng, phương án 2 đảm bảo khơi thông được nút thắt vận tải thủy trên tuyến hành lang đường thủy số 1, ít ảnh hưởng nhất đến đường sắt đang khai thác, không làm gián đoạn chạy tàu đường sắt, tận dụng lại được tối đa kết cấu để xây dựng tuyến Line 1 trong tương lai, phù hợp với nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí.
Đối với kết cấu cầu đường sắt Đuống xây mới, Ban QLDA 6 kiến nghị lựa chọn sử dụng kết cấu cầu vòm thép (nhịp chính dài 100m) để đảm bảo đồng bộ mỹ quan với cầu đường bộ; kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, trên nền móng cọc khoan nhồi; tháo dỡ dầm cầu cũ và đập bỏ mố trụ cũ.
Cầu đường bộ rộng 16m
Theo tờ trình của Ban QLDA 6, dự án cũng tiến hành xây dựng cầu Đuống đường bộ có điểm đầu tại vị trí nút giao khu vực chân cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), điểm cuối tại khu vực nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm). Tim cầu Đuống đường bộ cách tim cầu hiện hữu khoảng 100m về phía hạ lưu.
Mặt cắt ngang cầu Đuống đường bộ rộng 16m, đường dẫn hai đầu cầu rộng 39m, mặt đường bê tông nhựa hai lớp trên móng cấp phối đá dăm. Trên tuyến sẽ bố trí các nút giao tại đầu tuyến và cuối tuyến, hệ thống chiếu sáng,…
Ban QLDA 6 đưa ra 3 phương án kết cấu cầu Đuống đường bộ: Cầu Vòm thép, nhịp chính dài 100m; Cầu Extradosed, nhịp chính dài 120m; Cầu đúc hẫng, nhịp chính dài 120m.
Sau khi phân tích, so sánh ưu nhược điểm các phương án, Ban QLDA 6 kiến nghị lựa chọn phương án 1 (cầu Vòm thép, nhịp chính dài 100m), bởi phương án này có chiều dày kết cấu thấp nhất đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật thiết kế, chi phí thấp nhất và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Theo Ban QLDA 6, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.793 tỷ đồng, sử dụng nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chiếm gần 50% (776,2 tỷ đồng). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện.
“Để triển khai dự án này, các vấn đề về kỹ thuật hoàn toàn xử lý được nhưng khó khăn nhất sẽ là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi kiến nghị, sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, chính quyền và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội sớm vào cuộc hỗ trợ đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án”, ông Tuấn chia sẻ.
Được biết, trường hợp được cấp thẩm quyền thông qua, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ tiến hành triển khai các bước tiếp theo, tiến tới tổ chức thi công hoàn thành dự án vào năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần