Nhiều người cho rằng, xây dựng đường cao tốc là điều cần thiết, nhưng chưa phải là lúc này.
Lo ngại nợ công tăng cao
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, về nguyên tắc, đầu tư phát triển hạ tầng vào bất cứ lĩnh vực nào cũng là không thừa. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nợ công còn ở mức cao, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì việc đầu tư bao nhiêu tiền, vào lĩnh vực nào cũng cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước rất hạn chế do nợ công cao, việc đề xuất Nhà nước hỗ trợ 93.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chắc chắn sẽ khiến nợ công tăng cao. Nói như vậy là bởi, hầu hết các dự án của ngành GTVT luôn trong tình trạng rủi ro tài chính do mức đầu tư rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thiếu tính minh bạch về tài chính, về tổng mức đầu tư, về hợp đồng. Ngoài ra, do tổng vốn quá lớn, dự án sẽ cần huy động thêm nguồn vốn khổng lồ trong và ngoài nước. Dù vậy, nhìn từ câu chuyện QL5 thì nhà đầu tư thực sự sẽ khó tham gia. Theo cam kết, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí tổ chức GPMB, thế nhưng đến nay khi dự án đã hoàn thành, số tiền trên vẫn chưa thấy đâu, dù là trong... kế hoạch.
Đồng quan điểm này, theo một số chuyên gia kinh tế, 230.000 tỷ đồng vốn dồn lại trong 3 - 4 năm trong khi vốn ngân sách phải đóng góp tới 40,7% (theo tính toán ngân sách chỉ đáp ứng được gần 20%) là quá sức, gây áp lực rất lớn lên nợ công. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc huy động các nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án theo đề xuất của Bộ GTVT cũng là chưa hợp lý. Bởi, dù có là tiền của ngân hàng thì cũng là tiền huy động trong dân. Thế nhưng, trong những năm qua, số tiền này đã bị các dự án BOT sử dụng triệt để.
Cần cân nhắc hiệu quả
Theo Bộ Tài chính, trong hoàn cảnh nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài hiện rất khó khăn, việc huy động đủ số tiền để triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là thách thức không nhỏ. Và nếu cố lao vào lãi suất cao thì rủi ro sẽ rất lớn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam trong giai đoạn này không chỉ làm tăng nợ công mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và các DN vận tải. “Hiện nay, trên tuyến mà Bộ GTVT đề xuất xây dựng cao tốc Bắc - Nam đã tồn tại 2 tuyến đường là QL1 và đường Hồ Chí Minh, đây đều là 2 tuyến đường đã thu phí. Và đương nhiên, khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà đầu tư cũng sẽ tiến hành thu phí... Và như vậy, chỉ có người dân là khổ” - một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nêu vấn đề.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông Việt Nam cho rằng, trong khi đường Hồ Chí Minh, đường QL1, đường biển và đường sắt chưa tận dụng hết năng lực thì bỏ hàng tỷ USD để xây dựng đường mới là không cần thiết. Còn về quy luật, đường càng nhiều càng tốt, nhưng tiền đó dùng có đúng chỗ, có hiệu quả, vốn đầu tư có khả thi hay không, thì các nhà kinh tế phải tính toán lại. Cũng theo ông Thủy, thay vì chăm chăm đầu tư tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam, Bộ GTVT nên tập trung sửa chữa, nâng cấp những tuyến đường hiện hữu, sửa chữa nâng cấp đường sắt, phát triển vận tải thủy... để giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ, tăng sự lựa chọn cho người dân.