Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất xây dựng và ban hành Luật Làng nghề

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thủ công mỹ nghệ (TCMN) ở Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của TP, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nguồn lực để phát triển TCMN thành ngành công nghiệp văn hoá tại Hà Nội còn khó khăn.

Nhận diện lợi thế, hạn chế

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhà khoa học, Sở, ngành bàn luận nhiều vấn để nhằm phát huy tiềm năng thủ công mỹ nghệ trở thành ngành công nghiệp văn hoá.

Không gian “Tinh hoa làng nghề Việt” tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội.
Không gian “Tinh hoa làng nghề Việt” tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội.

Theo các chuyên gia, đối với các ngành đòi hỏi nhiều sự đổi mới sáng tạo, khiếu thẩm mỹ, cảm hứng nghệ thuật như TCMN, yếu tố con người càng đóng vai trò quan trọng. Hà Nội có lợi thế lớn ở việc sở hữu một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, thợ thủ công chăm chỉ, tài khéo và năng động. Theo thống kê chính thức, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất, chiếm 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo GS. TS Từ Thị Loan - Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia: Nguồn nhân lực này cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hầu hết các CN, cơ sở sản xuất không có người thiết kế chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân lại ít nắm được nhu cầu của thị trường, không có kỹ năng thiết kế, nên chỉ sáng tạo mày mò theo cảm tính.

Trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, quản trị, thương mại trong các cơ sở sản xuất cũng là một vấn đề. Nhiều gia đình đã có nhiều đời làm thủ công mỹ nghệ, nhưng khi bước sang kinh tế thị trường đã rất lúng túng, khó khăn trong nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị phần, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, tham gia xuất khẩu, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp.

Một số ngành nghề và cộng đồng làm nghề do không bắt kịp sự thay đổi của nhu cầu, thị hiếu người dùng, sự biến động của thị trường đã bị các sản phẩm công nghiệp hiện đại thay thế và bị đào thải.

Trong quá trình phát triển, TCMN là ngành có sự cạnh tranh rất gay gắt, chỉ những nghệ nhân và đội ngũ làm nghề có khả năng thích ứng linh hoạt, nhạy bén, có sự chuyển đổi sáng tạo, phù hợp mới trụ vững và phát triển. Do vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm không chỉ trong nước mà cả với các nước khác trong khu vực, nhất là châu Á.

Bên cạnh đó, nguồn lực vật chất cũng chưa được khai thác và phát huy hợp lý, thậm chí là phát triển không bền vững. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trong số 1.350 làng nghề chỉ có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; 207 làng có nghề đang phát triển, 543 làng có nghề bị mai một và 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một.

Về nguồn lực tài chính, đối với các DN lớn, trường vốn, năng lực kinh tế mạnh thường có thể đứng vững trước các biến động của thị trường, giá cả, nguyên vật liệu. Còn lại, đối với đa phần các DNnhỏ và siêu nhỏ, hộ gia đình năng lực tài hính eo hẹp, bị động trong kinh doanh.

Trong khi đó, việc thực thi một số chính sách về vốn, đầu tư tín dụng còn chưa cụ thể, thiếu minh bạch, khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức còn bị hạn chế.

Đề xuất xây dựng và ban hành Luật Làng nghề

Để tạo được bước đột phá, phát triển TCMN thành ngành CNVH, theo các chuyên gia phải có những bước đi kiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế trong thời gian qua.

Du khách trải nghiệm nghề làm gốm Bát Tràng.
Du khách trải nghiệm nghề làm gốm Bát Tràng.

Trước hết, cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật Làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam, trong đó có nghề TCMN.

Mặt khác, do các mặt hàng TCMN của Hà Nội vẫn đơn điệu về mẫu mã, chưa đa dạng hóa sản phẩm, tính cạnh tranh kém. Do vậy, tích cực thay đổi mẫu mã, tập trung vào công tác thiết kế mẫu sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế là một giải pháp căn cốt.

Đồng thời, TCMN của Hà Nội cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số. Đẩy nhanh hoạt động thương mại điện tử, mua bán, tiếp thị trên nền tảng số. Tận dụng các công cụ trực tuyến như website, Google Ads, mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube... để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận lợi, từ đó thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó cần đảm bảo an ninh nguyên liệu cho sản xuất bởi những năm gần đây tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đang diễn ra trên diện rộng, các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp. Nếu trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay chúng ta đã phải nhập khẩu khoảng 50%.

Bên cạnh các giải pháp trên, theo GS. TS Từ Thị Loan, Hà Nội cần phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề. “Để củng cố và phát triển bền vững ngành TCMN tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các Hiệp hội, thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan chức năng thì mới có thể sớm đi tới thành công và phát triển bền vững” – GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.