Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất ý tưởng “hồi sinh” sông Kim Ngưu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/8, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân đến cầu Mai Động.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc - đô thị cho rằng, chúng ta không nên tiếp tục bê tông hóa hay cống hóa đối với dòng sông Kim Ngưu, nên cố gắng cải tạo để duy trì nó.
Giải pháp cho hạ tầng

Thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sông Kim Ngưu có chiều dài 7,7km nhưng cứ 1km chiều dài lại có 7 cống thoát nước thải trực tiếp đổ ra sông, gây ra ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là vấn đề nóng được chính quyền và nhiều nhà khoa học quan tâm. Theo PGS. TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, ý tưởng về đề án thiết kế, chỉnh trang lại dòng sông ô nhiễm là phù hợp, vừa duy trì được giá trị lịch sử văn hóa của dòng sông Kim Ngưu với sự tích Trâu Vàng. Nếu có các công trình kiến trúc cảnh quan, ánh sáng hiện đại vào ban đêm và sự sôi động vào ban ngày thì có thể trở thành không gian giống như hồ Hoàn Kiếm.
 Cống nước thải xuống lòng sông Kim Ngưu hiện nay. Ảnh: Công Hùng
“Khi nhà đầu tư tiến hành chỉnh trang, thiết kế lại hai bên bờ sông thì không nên xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ dày quá sẽ làm mất đi không gian và diện tích mặt nước. Nếu TP Hà Nội chấp thuận cho đề án này triển khai, thì có thể bố trí một phần đất ở khu vực khác cho nhà đầu tư kinh doanh. Nếu đề án này thiết thực thì sẽ có thể lấy đó làm mô hình, để chỉnh trang lại cho các dòng sông khác cũng đang bị ô nhiễm nặng của Thủ đô” - PGS. TS Lưu Đức Hải nói.

"Chúng ta thường quan tâm đến vấn đề giao thông, kẹt xe, nhà siêu mỏng, siêu méo, quảng cáo lộn xộn... mà vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân lại chưa được quan tâm nhiều. Ý tưởng này nếu được đưa vào thực hiện thì trước hết sẽ cải tạo được môi trường không khí cho người dân xung quanh và tổ chức lại các hoạt động công cộng để làm sống động lại khu vực sống tạo thành một nơi vui chơi, thương mại, dịch vụ." - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính


"Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông." - PGS.TS Phạm Đức Nguyên,

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam

"Tình trạng ô nhiễm sông Kim Ngưu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền sẽ sớm có biện pháp xử lý nguồn nước thải bị ô nhiễm. Và nếu như có thể thì cải tạo để sông Kim Ngưu được trở về đúng nghĩa là một dòng sông, chứ không phải một con kênh thoát nước thải. Như vậy, sẽ tạo ra một diện mạo đẹp đẽ hơn cho tuyến phố này." - Bà Nguyễn Thị Thể, khu tập thể phố 8/3

Về phía cơ quan của UBND TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng cũng đồng tình với ý tưởng của đề án và cho rằng, nếu chúng ta không có biện pháp xử lý thì người dân mãi bị ảnh hưởng. “Đó là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng chính quyền TP Hà Nội mà còn của đông đảo các nhà khoa học và người dân. Trước đây, chúng ta tiến hành cống hóa để lấy đường giao thông và sau đó chúng ta tiến tới một bước cao hơn nữa, đó là việc cải tạo để giữ lại những dòng sông này, tạo ra không gian công cộng, cảnh quan cho TP” - ông Nguyễn Trúc Anh nói.

Bên cạnh kiến trúc cảnh quan, vấn đề về kinh phí thực hiện cũng nhận được sự quan tâm, thảo luận của các chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Trúc Anh cho biết, TP đã trải qua một thời kỳ dài đầu tư hạ tầng, giờ nguồn vốn vay ODA không còn được ưu đãi, đầu tư công đang bị thiếu hụt, nên để có kinh phí xây dựng được đề án này thì chỉ có thể là nguồn vốn của tư nhân. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc hợp tác công tư, hoặc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa vào để đầu tư là biện pháp hữu hiệu nhất, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết được những vấn đề cấp bách trước mắt cho người dân và bảo vệ môi trường.

Công trình thoát nước ngầm dưới lòng sông?

Thạc sĩ quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh - chủ biên đề tài cho biết, ý tưởng cải tạo môi trường sông Kim Ngưu được tham khảo từ kinh nghiệm của dự án Cheongyecheon River (Hàn Quốc) và sông Zhangziagang (Trung Quốc). Dự án chú trọng đến cảnh quan đô thị, hình ảnh tuyến phố thông qua việc cải tạo, chỉnh trang thiết kế đô thị hai bên bờ sông Kim Ngưu; 100% nước thải sẽ được xử lý và sẽ hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ 3 tầng dọc theo đường Kim Ngưu để thu hút du lịch và phát triển thương mại.

“Đề án sẽ xây dựng tuyến cống ngầm dưới lòng sông, thu gom toàn bộ hệ thống nước thải của các hộ dân hai bên bờ sông, cũng như nguồn nước hỗn hợp từ lưu vực phố Lò Đúc, Trần Khát Chân. Mặt sông sẽ thu gom nước mưa, nước mặt đã qua xử lý và sẽ bơm nước sạch bổ sung cho sông từ trạm bơm Yên Sở. Đảm bảo mặt nước sông Kim Ngưu luôn an toàn về mùi, tạo nên không gian cảnh quan đường phố, hình thành điểm du lịch, thương mại dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Tình trạng ô nhiễm nước tại sông Kim Ngưu đã diễn ra từ hàng chục năm nay, mặc dù đã được kè hai bên bờ và thường xuyên cải tạo, nạo vét, nhưng không thể sử dụng nguồn nước vào mục đích sinh hoạt, sản xuất, canh tác... Nguyên nhân ban đầu được nhận định do nước thải từ các khu dân cư đổ trực tiếp ra sông Kim Ngưu, chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, người dân sống và kinh doanh hai bên bờ sông cũng thường xuyên xả thải trực tiếp xuống sông...