Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.
Mới có 12% xe hoàn thành lắp camera
Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều DN vận tải gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định số 100/2019 đến hết ngày 31/12/2021.
Từ giờ tới hạn chót là ngày 31/12/2021 chỉ còn hơn một tháng nữa. Nếu qua thời hạn trên, những phương tiện nào chưa lắp đặt camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải sẽ bị xử phạt. Dẫu vậy, nguy cơ bị phạt có vẻ không khiến các chủ phương tiện sợ. Bằng chứng là tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ xe kinh doanh vận tải hoàn thành lắp đặt camera giám sát vẫn rất thấp.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 11/11 mới có hơn 25.000 trong tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%. Trước con số đáng báo động trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải có văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, với việc chỉ còn hơn một tháng nữa là đến “deadline” không nhiều người tin vào việc các chủ phương tiện sẽ hoàn thành lắp đặt camera giám sát theo đúng yêu cầu.
Theo thống kê chi tiết của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại các địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt camera giám sát cao gồm Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%. Còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%...
Cố tình không lắp camera chỉ thêm thiệt
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều chủ xe vẫn cố tình không lắp đặt camera do kì vọng vào việc thời hạn ngày 31/12 tới sẽ tiếp tục được lùi lại một thời gian nữa. Lí giải cho sự chờ đợi này, nhiều người cho rằng, với lượng xe hoàn thành lắp đặt camera thấp như hiện nay, rất khó để hoàn thành mục tiêu vào cuối năm 2021. Do đó, nhiều khả năng các phương tiện sẽ tiếp tục được gia hạn lắp đặt camera giám sát thêm một lần nữa.
Sau 31/12/2021, phương tiện kinh doanh vận tải nào chưa lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm. Ảnh: Thảo Chi |
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi trung tâm đăng kiểm có khoảng 20-30 xe đi đăng kiểm/ngày, nhưng số đầu xe có camera giám sát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, mặc dù trung tâm đăng kiểm các địa phương đều được tuyên truyền, phổ biến quy định lắp camera giám sát là điều kiện vận tải bắt buộc, song nhiều xe vẫn chưa lắp. Các DN vận tải và các tài xế cũng đều nắm rõ quy định phải lắp camera giám sát trước ngày 31/12/2021, nhưng cố tình “chây ì” không lắp. Theo tìm hiểu của phóng viên, lí do mà các chủ xe này đưa ra vẫn là do dịch bệnh Covid-19 khiến họ gặp khó khăn đến mức....không đủ tiền để lắp đặt.
Được biết, chi phí để hoàn thành việc lắp đặt 1 camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải hiện nay rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng. Anh Bùi Xuân Tài (SN 1981, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, anh là chủ phương tiện xe hợp đồng chuyên hoạt động tuyến Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía Bắc. Do dịch bệnh vẫn đang phức tạp, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách vẫn đang rất ế ẩm nên anh Tài cho rằng, dù có lắp camera xong cũng khó lòng đưa phương tiện vào hoạt động hiệu quả. “Dịch bệnh khiến chúng tôi kiệt kiệt quệ rồi, giờ bỏ ra mấy triệu đồng lắp camera mà xe chạy chưa chắc đã có khách thì lỗ càng thêm lỗ” – anh Tài nói.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, những trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera giám sát, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện. Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, sau thời điểm 31/12, các xe vận tải chưa lắp sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt (từ 1-2 triệu đồng với lái xe; từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-12 triệu đồng đối với doanh nghiệp không lắp theo quy định) nếu kiểm tra, phát hiện.
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề xuất lùi thời hạn xử phạt xe không lắp camera đến hết năm 2022 và các xe sẽ lắp camera vào chu kỳ kiểm định trong thời gian trước 31/12/2022. Trong văn bản trên, Bộ GTVT yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ và tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện quy định về lắp camera giám sát.