Đêm diễn xúc động trong sân khấu không khán giả

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua hoạt động nghệ thuật biểu diễn hoàn toàn bị tạm dừng, nghệ sĩ không được lên sân khấu. Bởi vậy, khao khát cháy bỏng với mỗi người là được làm nghề, được trở lại cuộc sống bình thường. Mới đây, chương trình nghệ thuật trực tuyến “Cháy lên” đã diễn ra ở 5 điểm cầu, tại các nhà hát nghệ thuật và được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội.

Qua những chương trình này, các nghệ sĩ có cơ hội được thể hiện tài năng, đồng thời cũng mang tới những tiết mục thể hiện niềm tin chiến thắng, sự đoàn kết của toàn thể Nhân dân chung sức cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đồng lòng phòng chống dịch Covid-19.
Đêm nhạc sẻ chia

“Cháy lên” là chương trình nghệ thuật nằm trong chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" - chủ đề xuyên suốt cho tất cả chương trình trực tuyến trong giai đoạn này, với mục đích tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như góp thêm món ăn tinh thần gửi đến khán giả trong mùa dịch.

Mở đầu chương trình nghệ thuật đặc biệt, NSƯT Xuân Bắc đứng trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam nhưng phía dưới sân khấu không có khán giả theo dõi. Chương trình được ghi hình chỉ có người dẫn chương trình và một nhân viên kỹ thuật. Cũng như NSƯT Xuân Bắc, tất cả các nghệ sĩ tham gia giao lưu và biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Cháy lên” như: Nhạc sĩ, NSƯT Đỗ An, nghệ sĩ Việt Cường, ca sĩ Trần Phương Mai, nghệ sĩ Lệ Thu, nghệ sĩ Trang Nhung… đều có chung tâm trạng hồi hộp và xúc động.
 NSƯT Xuân Bắc đảm nhận vai trò MC trong chương trình nghệ thuật online "Cháy lên".

Bởi tính chất đặc biệt này, chương trình “Cháy lên” không mang tính chất sân khấu hoá như các chương trình nghệ thuật thông thường mà hướng tới sự giao lưu nghệ thuật mang tính cộng đồng. Các nghệ sĩ không chỉ hát, chỉ diễn mà còn chia sẻ trao đổi những tâm tư, những quan điểm về chung tay phòng chống dịch cũng như làm nghề. Họ có thể biểu diễn tại phòng thu, tại nhà và dẫu ở khung cảnh nào thì vẫn tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch.

Chia sẻ về chương trình được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc khẩn trương Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng về việc khẩn trương xây dựng các chương trình nghệ thuật trên nền tảng công nghệ số để động viên tinh thần, ý chí quyết tâm của các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cũng như dân trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay. Trong thời gian 1 ngày, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã triển khai số đầu tiên ngày 30/7. Dù triển khai với thời gian rất gấp, trong thời điểm toàn bộ lực lượng nghệ sĩ, ban tổ chức thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện dù biết sẽ có những sự cố ngoài mong muốn. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm triển khai và xác định làm để rút kinh nghiệm cho số sau tốt hơn. Chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" đã thực hiện số thứ hai đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa, góp phần động viên kịp thời tinh thần lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch và nhân dân cả nước để cùng nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch. Các nghệ sĩ đều nhiệt huyết, sẵn sàng tham gia trên tinh thần cống hiến hết mình vì đất nước, Nhân dân. Hoạt động này cũng góp phần tạo điều kiện cho các nghệ sĩ duy trì, nâng cao chuyên môn và có động lực yên tâm cống hiến trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay".

Hạnh phúc khi biểu diễn

Mở đầu cho các tiết mục của chương trình “Cháy lên”, ca sĩ Trần Phương Mai đã thể hiện ca khúc “Đồng lòng Việt Nam”, một sáng tác mới vô cùng ý nghĩa của nhạc sĩ Tuấn Hồ ca ngợi những người chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chống dịch, đồng thời cũng nhắn nhủ người dân hãy nâng cao ý thức, chung tay để cùng nhau vượt qua đại dịch và đồng thời động viên tinh thần các y, bác sĩ và các chiến sĩ đang hết lòng vì người bệnh, bảo vệ quê hương đất nước. Chia sẻ sau khi biểu diễn, ca sĩ Trần Phương Mai cho hay: "Những ngày nghỉ giãn cách, tôi cũng như mọi người dân ở nhà chỉ chăm chăm theo dõi các tin tức về ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện đúng như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Không được lên sân khấu một thời gian dài, nhớ ánh đèn sân khấu, chỉ mong được đem lời ca, tiếng hát để phục vụ khán giả. Chính vì vậy tôi vô cùng hạnh phúc khi được tham gia chương trình nghệ thuật online “Cháy lên” để được hát, được lan toả chia sẻ tình cảm yêu thương của mình đối với mọi người vào thời điểm mà cả nước đang đoàn kết một lòng phòng chống dịch".
 Ca sĩ Trần Phương Mai biểu diễn trong nhà hát không có khán giả.

Tại điểm cầu Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ Việt Cường với tiết mục “Thăng bằng trên thang” chỉ duy nhất có một bạn phụ diễn đưa đạo cụ. Mặc dù vậy, Việt Cường đã khiến khán giả nhiều phen thót tim bởi những pha trình diễn kỹ thuật xiếc vô cùng đẳng cấp và mạo hiểm. Trái với sự sôi động, mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật sân khấu hiện đại như xiếc, tiết mục “Thị Màu lên chùa” của hai nghệ sĩ trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam Lệ Thu và Trang Nhung lại mang đậm đặc trưng nghệ thuật chèo truyền thống, đậm đặc chất văn hoá Việt. Vẫn cứ là màn cô Thị Màu lẳng lơ lên chùa ghẹo Tiểu Thị Kính nhưng chắc chắn khán giả khi xem lại vẫn bị cô Thị Màu của nghệ sĩ Lệ Thu hớp hồn vía bởi phong cách diễn trẻ trung, tươi mới.
 Chương trình diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội.

Thay vì những tràng vỗ tay, cổ vũ nhiệt tình trên sân khấu, trong buổi biểu diễn đặc biệt này, tình cảm của người xem dành cho nghệ sĩ là những lần ấn like, thả tim và những lời comment khen ngợi ở dưới livestream. Nhiều khán giả đã bình luận: “Cháy lên hết mình các nghệ sĩ nhé để chiến thắng dịch bệnh, đưa nghệ thuật gần hơn với khán giả”, “Không có khán giả mà các nghệ sĩ đã biểu diễn cháy hết mình cứ như trước mặt họ là hàng nghìn khán giả đang xem vậy”, “Con đang chán vì dịch xem chương trình cô chú biểu diễn hết buồn luôn yêu chú Xuân Bắc lắm ạ”. Ngay cả tiết mục Thị Màu lên chùa đã quá quen thuộc đối với sân khấu chèo truyền thống vậy mà cô Màu của nghệ sĩ Lệ Thu và Thị Kính của Trang Nhung (Nhà hát Chèo Việt Nam) cũng nhận được vô vàn những lời khen nồng nàn: “Lâu không được xem Chèo, hay quá! Cảm ơn các nghệ sĩ, những người giữ gìn tinh hoa vốn cổ”, “Chèo cổ mà hay quá, hấp dẫn quá”.

Sau một thời gian nghệ thuật biểu diễn bị hoàn toàn tê liệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì sự xuất hiện của một số các chương trình nghệ thuật như: “Cháy lên”, “Tổ quốc trong tim”, "Những ngôi sao bất tử” đã phần nào gỡ khó cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong thời điểm này. Đây cũng là một động thái tích cực nhằm tạo cầu nối thiết thực đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ Nhân dân trong bối cảnh nhiều sân khấu tạm dừng hoạt động do Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần