Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đếm ngược kỳ thi lớp 10: Thí sinh nên chơi hay vùi đầu sách vở?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hơn 10 ngày nữa, Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Thời điểm hiện tại, mọi khâu liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo kế hoạch; trong đó việc ổn định tâm lý thí sinh là yếu tố rất quan trọng.

Học sinh Hà Nội trong lễ trưởng thành
Học sinh lớp 9 Hà Nội trong lễ trưởng thành

Chơi hay học?

Đến nay, các trường THCS trên địa bàn TP đã hoàn tất việc tổ chức bế giảng năm học 2022 - 2023 và lễ trưởng thành cho học sinh lớp 9. Chương trình ôn tập tại lớp cũng đang đi đến những ngày cuối cùng trước khi học sinh bước vào kỳ thi chính thức.

10 ngày trước kì thi luôn được cho là thời gian bản lề rất quan trọng để học sinh mạnh mẽ, quyết tâm, bứt phá và về đích. Tuy vậy, nhiều phụ huynh cho hay, khoảng 1- 2 tuần trở lại đây, tâm lý của con họ có phần bị ảnh hưởng và xao nhãng với việc học.

Học sinh lớp 9 sắp bước vào kỳ thi lớp 10 năm học 2023- 2024
Học sinh lớp 9 sắp bước vào kỳ thi lớp 10 năm học 2023- 2024

“Trước, trong, sau lễ bế giảng và trưởng thành ở trường cũng như tiệc liên hoan với lớp, con có một vài ngày mất tập trung, tâm lý không ổn định; quan tâm nhiều đến cảm xúc khi chia tay thầy cô, ban bè, mái trường. Việc này cũng dễ hiểu vì tôi cũng từng trải qua những tháng ngày như vậy và cũng có tâm lý đó. Nhưng nếu con để tình trạng buông theo cảm xúc kéo dài thì rất ảnh hưởng đến việc thi nên tôi có chút lo lắng”- chị Tô Ngọc Mai, trú tại quận Hoàng Mai kể về tình trạng của con gái lớp 9.

Ngoài yếu tố trên, nhiều phụ huynh khác nhận thấy, việc chểnh mảng chuyện học của các sỹ tử mấy ngày gần đây là do các con đã học quá nhiều trong suốt cả năm học. Thông thường, đây là thời gian bắt đầu được nghỉ Hè. Mặt khác, thỉnh thoảng lướt mạng xã hội lại thấy có bạn bè cùng lớp không tham dự kỳ thi lớp 10 (đã đăng ký học tư thục hay trường nghề) tung tăng đi chơi, checkin ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng nên các em bị dao động và mong muốn được xả hơi.

 “Việc học sinh mệt, muốn nghỉ là tâm lý dễ hiểu, hoàn toàn được thông cảm, thậm chí ủng hộ và đã đến lúc phải cho các em nghỉ ngơi. Tuy nhiên nghỉ thế nào, chơi thế nào lại cần được quan tâm”- thầy Nguyễn Minh Hiếu, giáo viên một trường THCS tại quận Cầu Giấy chia sẻ.

Quan tâm toàn diện chế độ ăn- học- ngủ- nghỉ

Theo thầy Hiếu, học sinh nghỉ không có nghĩa là thỏa thích vùi đầu vào chơi điện tử hay đọc truyện đến đêm; cũng không nên vội vã cho các em tham gia các chuyến nghỉ mát mà điều cần thiết là sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý, học xen kẽ giải trí, thể thao, thư giãn. Giảm cường độ học tâp nhưng không gác hoàn toàn việc học để đi chơi.

Các chuyên gia giáo dục cho biết, đây là lúc cần tâm lý thoải mái, không áp lực nhưng lại phải tập trung cao độ. Phụ huynh cần nhẹ nhàng động viên tinh thần con, tránh việc đặt kỳ vọng quá cao hoặc đăng ký dày đặc các buổi học thêm để nhồi nhét kiến thức, những mong con giỏi hơn, thi đạt điểm cao hơn.

Cần quan tâm toàn diện đến thí sinh
Cần quan tâm toàn diện đến thí sinh

Hãy để các em tự quản trị thời gian, tự thiết kế lịch học, lịch chơi. Kiến thức học suốt nhiều năm THCS, đặc biệt là năm lớp 9 đã được thầy cô ôn đi ôn lại nhiều lần. Kiến thức đề thi lớp 10 công lập chỉ ra trong phạm vi SGK, không mang tính cao siêu, đánh đố, do vậy, các em không cần quá lo lắng.

Các em nên tự hệ thống kiến thức, ôn luyện các dạng đề thường gặp, tự bấm giờ để làm đề, tự so đáp án và chấm chữa; từ đó rút kinh nghiệm những phần sai, ghi nhớ cách làm bài theo hướng dẫn để ghi điểm.

Không thể có trường hợp học bình thường mà đi thi lại vụt lên giành điểm cao. Học sinh cố gắng giữ phong độ, xây dựng cho mình mức điểm mục tiêu tương ứng với năng lực hiện có; từ đó xác định hướng ôn tập, phấn đấu rõ ràng trước khi bước vào kỳ thi. Khi ý thức được về lực học, các em có lực học khá sẽ không mất nhiều thời gian vào các bài khó mang tính vận dụng cao của đề mà tập trung giải quyết các phần thông hiểu, vận dụng; làm đến đâu, chắc đến đó. Tương tự, học sinh giỏi và trung bình cũng tự xác định các nấc kiến thức trong đề thi.

Một điều quan trọng không kém là cần đảm bảo giấc ngủ. Nhiều học sinh quen nếp học thâu đêm sau đó ngủ xuyên ngày. Nên nhớ, ngày thi chính thức, thí sinh phải dậy rất sớm để đến điểm thi. Do đó, học sinh nên rèn nhịp sinh học cho mình ngay từ hôm nay để ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh trạng thái buồn ngủ hoặc ngủ gật khi ngồi trong phòng thi.

Đồ ăn trong ngày thi cũng cần được lưu ý. Không ít thí sinh chủ quan, ăn đồ ăn lạ miệng sáng hôm thi dẫn đến đau bụng, khó chịu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, sát và trước ngày thi/buổi thi, ngoài việc ăn đồ ăn đảm bảo vệ sinh, đủ chất thì thí sinh cần hướng đến khẩu phần ăn quen thuộc, không nên ăn quá no hay ăn đồ ăn khó tiêu; có như vậy mới đảm bảo tâm lý tốt và vững vàng vượt qua kỳ thi.

 

Năm học 2023 – 2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh; trong đó 72.000 em  được tuyển vào trường công lập (chiếm tỷ lệ 55,7%).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra ngày từ 10 - 12/6; trong đó ngày 10 và 11/6, học sinh thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; thí sinh đăng ký nguyện vọng trường chuyên tiếp tục làm bài thi môn chuyên vào ngày 12/6.

Dự kiến, chậm nhất ngày 4/7, Hà Nội sẽ công bố điểm thi của thí sinh và từ ngày 8 - 9/7 sẽ công bố điểm chuẩn.