Trước khi “Về miền ký ức”, tác giả Lê Xuân Bắc đã tâm sự với hàng nghìn khán giả: “Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo; nơi mà mẹ tôi ngày ngày tảo tần mưa nắng để nuôi chúng tôi khôn lớn; cha tôi vất vả ngược xuôi để dạy chúng tôi nên người. Và cũng từ thuở ấy, hình ảnh con sông, bến đò, hàng dừa, vườn cau, giếng nước, cả những giọt mồ hôi trên vai áo nâu bạc màu của mẹ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Tôi loay hoay mãi trong cuộc đời cũng chỉ để tìm những thứ chỉ có trong mơ. Nên tôi đành gói trọn tất cả vào những bài thơ, bản nhạc, để tự ru mình mỗi khi lòng thấy chênh vênh. Hãy đi cùng tôi... “Về miền ký ức”.
Tác giả Lê Xuân Bắc sinh ra ở một vùng quê nghèo nên âm nhạc của ông chất chứa ân tình quê hương |
Với gần 20 ca khúc ở nhiều thể loại như dân gian, trữ tình, nhạc nhẹ, bolero, tác giả Lê Xuân Bắc đưa người yêu nhạc trở về những miền ký ức mà mỗi người đều lưu giữ trong tâm hồn. Đó có thể là những câu chuyện tuổi thơ đầm ấm bên gia đình, là những rung cảm của một thời thanh xuân tươi trẻ, là những nỗi nhớ tha thiết của một người con xa xứ, hay những kỷ niệm sâu sắc với mỗi vùng đất mà ông đã đi qua… Tất cả sẽ được chuyên chở qua những giọng hát của những ca sỹ nổi tiếng: Đăng Dương, Tấn Minh, Việt Hoàn, Hồ Quang 8, Huyền Trang, Lê Anh Dũng, Bùi Lê Mận, Lương Nguyệt Anh, Thu Thủy, Lê Trinh…
Ngoài ra, Lê Xuân Bắc cũng sáng tác rất nhiều nhạc phẩm về Hà Nội: Hà Nội chiều thu, Chiều hè Hà Nội, Mùa đông Hà Nội |
Dù không phải một người con được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Lê Xuân Bắc lại có những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc đối với mảnh đất này. Những cảm nhận về sự thay đổi của 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông được ông đưa vào những ca khúc của mình một cách khéo léo và tinh tế, đặc biệt là những rung cảm của mối tình thời sinh viên đầy thơ mộng, nhiều niềm vui và cũng không không ít giận hờn với: “Hà Nội chiều thu”, “Chiều hè Hà Nội”, “Mùa đông Hà Nội”, “Đừng buồn nữa nghe em”.
Một vùng đất trù phú của đồng bằng Sông Cửu Long với những hàng dừa xanh bát ngát và những câu hò mênh mang sông nước miền Tây. Hoặc cũng có thể là vùng đất miền Trung gió Lào, cát trắng, nơi có những con người kiên trung bất khuất, vừa sắc như dao cau nhưng lại vừa mềm như lụa, vừa mạnh mẽ lại vừa ngọt ngào. Và mỗi một mảnh đất ấy, “Người con gái Bến Tre”, “Về quê em xứ Nghệ” đều để lại những rung cảm về miền đất thi vị.
Đêm nhạc Về miền ký ức tham gia của rất nhiều giọng ca nổi tiếng như: Đăng Dương, Tấn Minh, Việt Hoàn… |
“Về miền ký ức” đã khiến hàng nghìn khán giả bất ngờ khi một mảng âm nhạc khác của tác giả Lê Xuân Bắc vang lên. Đó là Bolero với hai ca khúc: “Tình buồn” và “Kỷ niệm đã qua” ngọt ngào đầy diết da.
Thông qua các bài hát, tác giả Lê Xuân Bắc đã đưa khán giả về thăm các vùng đất khác nhau. Tuy nhiên, vùng đất khiến tác giả ấn tượng nhất lại là vùng đất hải đảo - Trường Sa. Theo tác giả, ở nơi biển đảo xa xôi ấy, có những người lính đảo dù sống trong môi trường thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vật chất nhưng họ chưa bao giờ nản chí, họ lúc nào cũng sẵn sàng chắc tay súng để bảo vệ từng tấc đất quê hương đất nước. Để thể hiện tình cảm của mình với mảnh đất Trường Sa yêu dấu, ông đã sáng tác bài thơ “Trường Sa trong tim ta”, mà sau này chính ông và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang đã cùng nhau gửi gắm những nốt nhạc để chắp cánh cho những vần thơ của mình.
Những ca khúc rộn ràng: “Giấc mơ đêm”, “Ước muốn”, “Vui đón xuân”, “Đất nước tôi yêu” khiến hàng nghìn khán giả như tiếp thêm niềm hân hoan, hứng khởi.
Qua gần 2 tiếng đồng hồ với những cảm xúc nồng nàn qua các bài hát, từ những ký ức tuổi thơ, đến những rung cảm của thời thanh xuân và những tình cảm dành cho quê hương cũng như những mảnh đất mà tác giả Lê Xuân Bắc đã đi qua. Nhưng trên tất cả, vẫn là tình yêu lớn lao mà anh Lê Xuân Bắc dành cho Tổ quốc, cho dải đất hình chữ S thiêng liêng trong trái tim của mỗi người con đất Việt.