Tối 2/9, hàng triệu người dân Hà Nội vẫn đổ ra đường, hòa mình vào cái dịu mát của tiết đầu thu, hòa nhịp vào không khí tưng bừng của Đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh. Phố phường ngập tràn ánh sáng, người dân háo hức chờ đón màn pháo hoa như reo cười trên bầu trời Hà Nội, khấp khởi chờ các chương trình biểu diễn nghệ thuật được “hẹn” từ trước về sự khí thế, độc đáo và kỹ lưỡng tại các sân khấu lớn trong TP.
Chương trình nghệ thuật tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ
|
Hà Nội đúng là đang sống trong không khí lễ hội. Nếu như tinh mơ ngày 2/9, dòng người nối đuôi nhau đổ về Quảng trường Ba Đình để chứng kiến màn diễu binh, diễu hành hoành tráng, nhiệt huyết và đầy niềm tự hào dân tộc, thì buổi tối, dòng người lại chia về các khu vực: Hồ Hoàn Kiếm, quảng trường Công viên Lê Nin, quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình… Ở đó, chương trình nghệ thuật “Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh” hào hùng và tự tin nhìn về chặng đường 70 năm với những mốc son đầy tự hào của dân tộc Việt. Bản hùng ca ấy được đặt trên sân khấu Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên các đơn vị nghệ thuật phía Bắc.
Dù được truyền hình trực tiếp trên VTV1, song người dân vẫn hồ hởi tới sân khấu lớn nhất Thủ đô này. Không có vé vào khán phòng, người ta đứng bên ngoài thưởng thức những âm thanh sống vọng ra từ phía sân khấu. Như một thanh niên đang đứng ở bên ngoài hội trường này phấn chấn chia sẻ: “Không vào được tận hội trường, nhưng đến đây xem vẫn thấy khí thế và không khí hơn ngồi ở nhà xem qua truyền hình!”.
Phải nói rằng, đây là 1 trong 2 chương trình nghệ thuật lớn (một là “Việt Nam – Khát vọng hòa bình” đã biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình sáng 2/9) được đầu tư dàn dựng riêng cho ngày Đại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Chương trình bán sử thi gồm 5 trường đoạn này được liên kết xuyên suốt bằng các hình thức nghệ thuật như ca múa nhạc, sân khấu phối hợp với lời dẫn, video clip… khái quát một chặng đường đấu tranh cách mạng cam go, khốc liệt, anh dũng, kiên trung nhưng rất tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời nêu bật những thành công to lớn mà Nhân dân ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới. Cách thức thể hiện chương trình cũng ngắn gọn, không kể lể khi chọn các mốc son kết cấu lại.
Đầy tâm huyết, NSND Lê Ngọc Cường – người chắp bút cho kịch bản chương trình này lên sân khấu, chia sẻ: “Chúng ta không ôn nghèo kể khổ, không nhấn quá khứ nhiều, mà nhấn mạnh ở giai đoạn đổi mới. Nói được ngày nay tự khắc nói quá khứ. Thời kỳ đổi mới có hình tượng ông Kim Ngọc đưa khoán hộ về nông thôn làm mới cho bộ mặt nông thôn, bác Nguyễn Văn Linh kiên định đổi mới”.
Đúng như ý tưởng của NSND Lê Ngọc Cường, dù là kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhưng chương trình mang tính nghệ thuật, không khô cứng, không “hô khẩu hiệu”. Hơn thế, chương trình còn như một “cuộc chơi” của nghệ thuật và công nghệ khi có sự kết hợp của kỹ xảo âm thanh, ánh sáng, màn hình hiện đại khiến bản hùng ca tựa như dòng chảy liền mạch, nhịp nhàng và sống động.
Ngoài chương trình nghệ thuật quy mô hoành tráng tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, 5 sân khấu ngoài trời của TP cũng rộn ràng các chương trình biểu diễn. Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ âm vang “Nắng Ba Đình” của nghệ sĩ Nhà hát chèo Hà Nội; trung tâm quận Hà Đông xôn xao “Giai điệu Tổ quốc” của Trung tâm văn hóa TP Hà Nội; quận Long Biên rộn ràng “Đất nước tình yêu” của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long; thị xã Sơn Tây lắng đọng âm điệu “70 năm mùa thu đất nước” của Nhà hát cải lương Hà Nội và khu vực sân quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình thì trẻ trung với các tiết mục biểu diễn của Phòng thành tích cao, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.
Chương trình nào cũng được dàn dựng kỹ lưỡng, công phu và hết thảy đều chung không khí hân hoan, tự hào trong các giai điệu ca ngợi Bác Hồ vĩ đại, Đảng quang vinh, Thủ đô và đất nước đổi mới. Người dân không chỉ hào hứng thưởng thức các ca khúc “đi cùng năm tháng” như: “Đất nước huyền thoại”, “Lá cờ Đảng”, “19 tháng 8”, “Đất nước trọn niềm vui”… mà còn thực sự thú vị với sân khấu chèo được dựng thành 2 phần “Vang mãi tiếng Người” và “Rạng rỡ Việt Nam”, với sân khấu cải lương có cả trích đoạn “Thử thách” lẫn màn trống hội, các màn múa hiện đại…
Vẫn những hình ảnh rất gần gũi và đầy thương mến khi những năm gần đây người Hà Nội đã hình thành thói quen vui với lễ hội cộng đồng. Ấy là những đôi bạn trẻ nắm tay nhau đứng xem hát, là những ông bố kiệu con trên vai đứng ngóng lên sân khấu… bình dị nhưng rất đỗi mến thương khi nhận ra sự đồng điệu của người dân trong ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước. Có thể bắt gặp những hình ảnh ấy ở khắp nơi, bởi ngay ở trung tâm 30 quận huyện, thị xã cũng tưng bừng các sân khấu biểu diễn nghệ thuật quần chúng...
Hà Nội tưng bừng và hân hoan trong vũ điệu của lời ca tiếng hát, không khí lễ hội ngập tràn các nẻo đường, Tết Độc lập thực sự là ngày hội của non sông. Không khí lễ hội càng đượm màu khi pháo hoa nở bừng trên nền trời, tỏa đi từ 5 điểm: Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn, hồ Văn Quán. Người dân đã được thưởng thức trọn vẹn những màn nghệ thuật đặc sắc và đã vui trọn vẹn niềm vui 70 năm độc lập của đất nước.