Đem vàng giả lừa bán cho tiệm vàng

Chia sẻ Zalo

Công an TP Hạ Long đang tập trung điều tra việc một số tiệm kinh doanh vàng, bạc tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị lừa mua vàng giả.

Một chủ tiệm vàng ở TP. Hạ Long cho biết, bình thường, nếu vàng kém chất lượng, khi hơ qua lửa sẽ bị đen đi. Tuy nhiên, loại vàng giả này vẫn giữ được màu vàng khá tự nhiên dưới sức nóng đèn khò, chỉ hơi bị sạn một chút.

Chính vì điều này mà không ít các chủ tiệm vàng bị mắc lừa do nhận định loại vàng này chỉ hơi kém so với vàng 9999.

Sau khi mua vàng vào với giá thành chỉ kém vàng 9999 một chút, khi đem đi phân kim, chủ tiệm mới ngã ngửa khi biết thành phần vàng trong đó chỉ chiếm từ 30-50%, còn lại là kim loại vonfram.

Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an TP. Hạ Long cho biết, loại vàng này được sản xuất rất tinh vi, dùng máy đo tuổi vàng như thông thường không thể phát hiện được, chỉ khi phân kim mới phát hiện vàng giả. Nhiều chủ tiệm vàng đã bị dính đòn lừa đảo này.
Một số miếng vàng rởm đã qua mặt được các chủ cửa hàng vàng bạc.
Một số miếng vàng rởm đã qua mặt được các chủ cửa hàng vàng bạc.
Trước đó, sáng 28/10, một thanh niên đến cửa hàng vàng tại khu 6, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long chào bán miếng vàng nguyên liệu trọng lượng khoảng 3 cây vàng. Hai bên thỏa thuận mua bán số vàng trên với giá 115 triệu đồng.

Tuy nhiên, cách đó ít ngày, do anh Đông, chủ cửa hàng được nhiều bạn hàng thông báo về việc trên địa bàn đang có một số đối tượng đi bán vàng giả, lại thấy “đối tác” có biểu hiện bất thường nên đã giữ người thanh niên này và báo công an.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên Hoàng Hữu Thành (SN 1984, ngụ tỉnh Hà Nam), số vàng giả trên do anh họ của Thành là Nguyễn Xuân Luyện đưa bán.

Công an TP. Hạ Long đã mời Nguyễn Xuân Luyện đến cơ quan công an để lấy lời khai. Đối tượng này cho biết có quen một người Trung Quốc tên là A Xẻng. A Xẻng rủ Luyện đi bán vàng do người này lấy được từ Hong Kong về.

Ngày 15/10, Luyện và A Xẻng hẹn gặp nhau tại TP. Móng Cái và A Xẻng giới thiệu một người Trung Quốc khác tên là A Cúa. A Cúa đưa cho Luyện một miếng vàng nguyên liệu để bán và Luyện đã bán trót lọt tại một cửa hàng ở TP. Móng Cái, được trả công 240.000 đồng.

Chiều 20/10, A Cúa đưa cho Luyện thêm 3 miếng vàng để đi bán. Luyện bán tại TP. Hải Phòng được 459 triệu đồng và được trả tiền công 7 triệu đồng.

Chiều 25/10, Luyện rủ Thành ra Móng Cái gặp A Cúa và được người này đưa 2 miếng vàng. Luyện bán một miếng cho một cửa hàng ở TP. Hạ Long với giá 190 triệu đồng, Thành bán cho một cửa hàng khác với giá 120 triệu đồng.

Thấy công việc thuận lợi, ngày 26/10, các đối tượng trong đường dây mở rộng địa bàn đến Hà Nội và bán trót lọt một miếng vàng thu 198 triệu đồng. Ngày 27/10, các đối tượng quay trở lại TP. Hạ Long và chọn phường Giếng Đáy để bán. Tại đây, Luyện và Thành bán trót lọt một miếng vàng dỏm thu 105 triệu đồng.

Công an TP, Hạ Long cho biết, thủ đoạn gây án của các đối tượng khá tinh vi, trải dài trên nhiều địa bàn. Nhiều cửa hàng ngại khai báo với công an về việc mua bán vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc nên cũng khó khăn khi triệt phá đường dây này.

Trước hiện tượng một số đối tượng bán vàng giả trên thị trường, các doanh nghiệp và người dân không nên mua vàng không rõ nguồn gốc, chỉ mua vàng miếng và vàng trang sức của các doanh nghiệp sản xuất vàng có uy tín trong nước. 

Khi mua vàng của các doanh nghiệp có uy tín, khách hàng sẽ có hóa đơn biên nhận, có ghi số seri của miếng vàng, mã hiệu tuổi vàng của sản phẩm. Đây là cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra khiếu nại. Trong trường hợp nghi ngờ về sản phẩm, người dân có thể mang vàng, giấy biên nhận đến các nơi mua hàng để yêu cầu kiểm tra và thẩm định chất lượng vàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần