Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đền, chùa quá tải

Linh Anh – Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ mùng 1 Tết Đinh Dậu đến nay, lượng khách du Xuân tâm linh tăng lên đột biến.

Riêng ở Phủ Tây Hồ, lượng khách đến lễ tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Tính trung bình, mỗi ngày Phủ Tây Hồ đón từ 1 - 1,5 vạn người tới lễ Thánh Mẫu. Hàng ngàn người chen chúc trong không gian vốn chỉ rộng vài chục mét vuông khiến hầu hết các đền, chùa ở Hà Nội trở nên quá tải.
Áo dài thay váy ngắn đi lễ chùa
Cách đây không lâu, trên nhiều trang mạng đã xuất hiện hình thời trang “mặc như không mặc” của một số thiếu nữ khi đi lễ chùa đầu năm. Chưa bàn đến tính xác thực của câu chuyện nhưng khi được đăng tải, lối phong cách “khác người”, phản cảm đó ngay lập tức đã làm dậy sóng dư luận với những lời chỉ trích gay gắt, nhiều người còn gọi đó là một hình thức “khoe thân trá hình” chốn công cộng. Hà Nội sở hữu nhiều khu di tích, đình, chùa nổi tiếng với 40 -50 lễ hội/địa phương trực thuộc, trong đó có các lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc... với hàng vạn du khách đổ về mỗi năm, nên dễ bắt gặp những hiện tượng phản cảm khi đi lễ chùa.

Phủ Tây Hồ đông nghịt người đi lễ ngày 3/2 vừa qua.    Ảnh: Phạm Hùng

Dạo một vòng quanh các đền, chùa lớn của Hà Nội như: Chùa Trấn Quốc, chùa Hà, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ, đình Phúc Khánh những ngày đầu Xuân cho thấy, mặc dù lượng du khách đổ về khu di tích ngày một đông, nhưng tình trạng ăn mặc thiếu thiện cảm dường như đã không còn. Thay vào đó, ai cũng chọn cho mình một bộ đồ lịch sự, kín đáo như: Quần jean, áo sơ mi, hoặc chân váy qua đầu gối để có thể thành tâm đứng trước cửa Phật. Thậm chí, có những bà mẹ còn chọn riêng cho bản thân và con cái của họ những bộ áo dài cách tân nhã nhặn và điệu. Và để giảm tránh hiện tượng ăn mặc phản cảm vào lễ chùa, nhiều ban quản lý di tích tại Hà Nội đã bố trí lực lượng bảo vệ nhắc nhở du khách ngay từ khi bước vào cổng di tích.
Phủ Tây Hồ chưa hết nghẽn
Từ chiều 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, đường Xuân Diệu – con đường chính dẫn lối vào Phủ Tây Hồ (Hà Nội) chưa bao giờ hết tắc. Ông Trương Tín Hồi - Phó trưởng Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết: “Từ sáng sớm tới hơn 19 giờ tối, không lúc nào Phủ Tây Hồ ngớt khách”. Nhiều du khách đến lễ nhưng không thể chen chân vào các ban thờ mà phải đứng từ xa bái vọng. Không chỉ ở Phủ Tây Hồ, mà dịp Tết Đinh Dậu này, di tích nào cũng thu hút đông khách đến chiêm bái, đặc biệt là một số di tích nổi tiếng như: Chùa Hương, chùa Hà, chùa Trấn Quốc, tổ đình Phúc Khánh, tứ trấn Thăng Long, đền Và, đền Sóc, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên… cũng luôn trong tình trạng chật cứng người cúi lạy, khấn bái.
Mất trộm, rác thải bừa bãi, tiền giọt dầu vung vãi khắp các ban thờ là tình trạng không hiếm gặp ở các di tích trong những ngày đầu Xuân. Tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình), mặc dù Ban quản lý đặt biển hướng dẫn người dân không mang hương vào khu nội tự song vẫn có người cố tình… đốt hương. Bức tượng thần Trấn Vũ dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng đang trở nên trắng bóng vì hành động xoa tiền lẻ vào chân tượng, mặt tượng để lấy may. “Chúng tôi đang phải làm đề xuất lập hàng rào ngăn cách xung quanh bức tượng để giảm tránh những tác động xấu từ du khách đến bảo vật quốc gia” - ông Nguyễn Hồ Doãn - Ban lý di tích đền Quán Thánh chia sẻ. Tại Phủ Tây Hồ, tiền giọt dầu bày la liệt từ bệ thờ đến chân Phật. Cung Thánh Mẫu dù không mở cho du khách vào viếng, nhưng nhiều người vẫn ném cả sập tiền lẻ từ ngoài cửa vào trong chỉ để hy vọng những đồng tiền đó giúp được họ đủ xin lộc cho riêng mình. Trong những ngày này, lực lượng an ninh tại đền Quán Thánh và Phủ Tây Hồ luôn nhận được tin báo mất ví, mất điện thoại của du khách (khoảng gần 10 trường hợp mỗi ngày).
UBND TP Hà Nội và Sở VH&TT Hà Nội liên tục ra các văn bản yêu cầu chấn chỉnh các hiện tượng xấu đang tồn tại nơi lễ hội và nơi thờ tự. Tuy nhiên, do ý thức của người đi hội và người đi lễ còn chưa cao, nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng nở rộ, nên mỗi mùa Xuân là một mùa quá tải lượng người đến lễ bái. Văn minh nơi thờ tự vì thế cũng thiếu, giảm đi khá nhiều.
Vấn đề về VSMT cũng đang trở thành bài toán nhức nhối tại di tích, nổi cộm trong đó là tình trạng xả rác bừa bãi của du khách từ đường vào cho đến phủ chính tại Phủ Tây Hồ. Thời điểm hiện tại, đội ngũ lao công đã được Ban quản lý bố trí để thu gom rác, đảm bảo cảnh quan cho phủ, nhưng phớt lờ thông báo của Ban tổ chức, rác vẫn được du khách xả thải ra rất nhiều. Rác thải trải dài dọc từ bãi gửi xe đến tận phủ chính.