Nhiều điển hình, cá nhân tự nguyện xin thoát nghèo
Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu T.Ư. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo và đại diện các bộ, ban, ngành.
Tới dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, đại diện các sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét qua các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình hành động của chính quyền các cấp...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Hàng triệu hộ nghèo, hộ cận ngèo đã được hỗ trợ về sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập. |
Trực tiếp nhất là Nghị quyết số 76 năm 2014 về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 80 năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững và Nghị quyết 30a về chương ình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ, Nghị quyết số 115...
“Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đã giảm tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước ở các vùng miền. Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ về sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin và các dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ người dân trong đó có người nghèo. Không ít các điển hình, các đơn vị và cá nhân đã tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế...” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hộ nghèo, cận nghèo không bị bỏ lại phía sau
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã báo cáo cụ thể về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 28%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%.
Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.
Để có những kết quả tích cực này, trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, với tổng số tiền 93.607,785 tỷ đồng.
Cùng với đó là thực hiện một số chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo như hỗ trợ có điều kiện. Chính phủ đã chỉ đạo từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. Qua đó, nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đồng thời hỗ trợ cho các hộ nghèo đủ thực lực để khi thoát nghèo không tái nghèo hoặc rơi xuống cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế và hỗ trợ tạo sinh kế theo nguyên tắc bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách, khắc phục tư tưởng không muốn thoát nghèo.
Chính phủ đã ban hành bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp hơn, góp phần tạo nên hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi đồng bộ với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp hơn.
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 77.037 tỷ đồng so với 31/12/2015.
Mức lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm còn 6,6%/năm (đối với hộ nghèo), 7,92%/năm (đối với hộ cận nghèo), 8,25%/năm (đối với hộ mới thoát nghèo); điều chỉnh nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 lên tối đa 100 triệu đồng, kéo dài thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt danh sách trên 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17,5 nghìn tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện giải ngân trên 12.438 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12.498.671 người dân và 22.680 hộ kinh doanh.
“Trong thời gian tới, tùy theo diễn biến tác động của dịch bệnh, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP đối với người dân, người lao động cho phù hợp” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay.