Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến cuối năm, chọn cổ phiếu nào tích luỹ vào "rổ" đầu tư?

Cẩm Vân
Chia sẻ Zalo

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho biết, những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu.

Tuần qua, thị trường chứng khoán dù có nhiều nỗ lực vẫn phải chịu nhiều áp lực lớn. Giữa những áp lực đó, đâu là "điểm sáng", thưa ông?

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT  
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT  

Theo như tôi được biết, ngày 16/9, VN-Index tiếp nối đà giảm của tuần trước đó khi kết phiên giảm 1% xuống mức 1.239,3 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp khi tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 97/312. Tuy nhiên, thanh khoản đã có dấu hiệu khả quan hơn khi giá trị khớp lệnh tăng hơn 15% so với phiên trước. Công nghệ là ngành có diễn biến kém tích cực nhất với VNZ (-15%), FPT (-1,4%), và CMG (-1,4%). Khối ngoại đã mua ròng trở lại với giá trị 251 tỷ đồng, tập trung vào TCB, NAB và FPT. 

Ngày 17/9, VN-Index biến động nhẹ trong buổi sáng tuy nhiên qua buổi chiều chỉ số đã bắt đầu tăng tốc và kết phiên tăng 19,7 điểm lên mức 1.259. Gần như mọi ngành đều có diễn biến tích cực ngoại trừ Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp. Ngành bất động sản có diễn biến tích cực nhất, dẫn đầu là VHM (+5,4%) và PDR (+5,1%). VHM cũng là mã có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số, theo sau đó là VCB, BID, TCB và VIC. 

VN-Index tiếp tục phục hồi trong phiên 18/9 khi tăng 0,5% lên mức 1.264,9 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 312/88. Dịch vụ tài chính và Ngân hàng là một trong các ngành có diễn biến tích cực trước việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng hạng thị trường cũng như việc NHNN giảm lãi suất OMO xuống 4%/năm. 

VN-Index phiên 19/9 giữ sắc xanh gần như cả ngày và kết phiên tăng 6,4 điểm lên mức 1.271,3. Số cổ phiếu đạt tăng giá nhiều gần gấp đôi so với số cổ phiếu giảm giá, với tỷ lệ là 240/122. Bất động sản là ngành dẫn dắt với BCM (+0,7%), VHM (+0,6%), KBC (5,9%) và VIC (+0,6%). Khối ngoại cũng là một điểm sáng khi mua ròng với giá trị 432,6 tỷ đồng, tập trung vào SSI, HCM và FUEVFVND. 

Dù đã có lúc dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm, VN-Index vào cuối phiên 20/9 lại phải chịu áp lực bán lớn và sau đó rơi về sát mức tham chiếu. Thanh khoản vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng lần đầu tiên sau khoảng một tháng qua trong khi tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 224/185. Bệ đỡ cho chỉ số chủ yếu đến từ nhóm bluechip có thể kể đến như ACB, HPG, TCB, MBB… Kết tuần, VN-Index tăng 1,6% lên mức 1.272 điểm, HNX-Index tăng 0,8% lên 234,3 điểm và UPCOM-Index tăng 0,7% lên mức 93,6 điểm.

Trong tuần, GAS (-1,6%), VIC (-1,4%) và PGV (-3,2%) là các mã gây áp lực lên chỉ số. Ngược lại, TCB (+6,1%), CTG (+3,2%) và ACB (+5,1%) là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường.

Thanh khoản tuần này tăng 32,2% lên 16.309 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng 1.229,4 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 1.222,6 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 71,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 64,3 tỷ đồng trên UPCOM.

Động thái cắt giảm lãi suất của Fed gây nhiều ngạc nhiên cho các chuyên gia và thị trường tài chính tuần qua. Ông nhận định thế nào về việc cắt giảm mạnh tay này của Fed?

Đầu tiên tôi muốn chia sẻ góc nhìn về động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed, điều chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là sự khởi đầu mạnh tay của Fed và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát cuộc họp. Có những tiếng nói cho rằng, việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Theo ý kiến cá nhân tôi, góc nhìn này không toàn diện. Trong bối cảnh “lạm phát thấp hơn dự báo” và “thị trường việc làm xuất hiện những mối lo ngại dù vẫn trong tầm kiểm soát, thì việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % lại rất logic. Chia sẻ về hành động mạnh tay, chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ: “Có quan điểm cho rằng giờ là lúc phải hỗ trợ thị trường việc làm, ngay khi thị trường còn mạnh chứ không phải khi sa thải đã bắt đầu xảy ra”.

Có thể thấy rằng, mặc dù vẫn khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, người đứng đầu của Fed dường như đồng tình những vấn đề mà giới chuyên gia đặt ra đó là “chính sách tiền tệ có độ trễ để phát huy tác dụng và với thông tin thu lượm được từ doanh nghiệp cũng như tốc độ tuyển dụng chậm lại, giới chức Fed cảm thấy cần thiết phải chặn trước sự suy yếu mạnh mẽ hơn của thị trường việc làm”. Do đó, việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” của Fed hơn là “một hành động chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn màng.

Cùng với động thái hạ lãi suất, Fed cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quan như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó, và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025. Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay, từ dự báo trước đó là 4,0% và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của Fed cũng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ. 

Thưa ông, quyết định cắt giảm lãi suất của Fed ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. OMO và mua vào dự trữ ngoại hối để cung tiền đồng ra thị trường nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay. Với những kỳ vọng trên, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm. 

Trong bối cảnh này, ông có lời khuyên nào với nhà đầu tư?

Tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường. Do đó, những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!