Đến đích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đàm phán song phương cũng như đa phương giữa 12 quốc gia về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc thành công, chậm hơn so với dự định ban đầu, nhưng thật ra cũng không phải đã quá chậm.

Quá trình đàm phán đầy khó khăn và đã kéo dài 5 năm nay. Nhưng điều này không có gì là không bình thường bởi đàm phán về thành lập khu vực mậu dịch tự do ở đâu trên thế giới này cũng đều khó khăn chứ không đơn giản, cũng đều mất nhiều thời gian chứ không nhanh chóng. TPP lại càng thế bởi từ trước tới nay chưa có ý tưởng về thành lập khu vực mậu dịch tự do nào trên thế giới đồ sộ về nội dung, rộng lớn về quy mô, sâu sắc về bản chất và có được tầm vóc tác động thế giới như TPP.

Những nền kinh tế lớn của thế giới hiện tại như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico hay Australia đều tham gia TPP ngay từ đầu và TPP khác biệt cơ bản về phạm vi lẫn bản chất tất cả những thỏa thuận về mậu dịch tự do song phương cũng như đa phương mà các nước này đã ký kết và đã triển khai thực hiện. Mỹ và EU đang xúc tiến đàm phán về dự án tương tự với tên gọi là Quan hệ Đối tác xuyên Đại Tây Dương về đầu tư và thương mại (TTIP). TTIP dựa trên nền tảng là mô hình và nguyên tắc của TPP chứ không phải ngược lại.

Nội dung mấu chốt nhất của mọi thỏa thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do là lộ trình xóa bỏ thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại. Thực chất ở đây là mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ tự do cạnh tranh trên thị trường của nhau.

Tầm vóc của TPP thể hiện ở chỗ nó không chỉ tạo ra luật chơi riêng trong cuộc chơi riêng về tự do hóa mậu dịch giữa 12 thành viên hiện tại mà còn đóng vai trò tạo luật chơi chung, hoặc ít nhất thì cũng đóng vai trò quyết định nhất trong việc tạo ra luật chơi chung, trong cuộc chơi tự do hóa mậu dịch trên bình diện toàn cầu. TPP vì thế hiện đang làm chính việc mà lẽ ra là sứ mệnh lịch sử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sự trì trệ từ vòng đàm phán Doha của WTO đã tạo điều kiện và cơ hội cho sự trỗi dậy mạnh mẽ và lấn lướt của trào lưu hình thành những khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương, trong đó có TPP hay TTIP. Sự trì trệ này càng kéo dài thì vai trò và ảnh hưởng của WTO càng suy giảm. Luật chơi chung không còn do WTO quyết định mà ngược lại.

Chính vì thế mà sự ra đời của TPP được thế giới quan tâm sâu sắc. TPP sẽ buộc tất cả 12 nước tham gia phải chấp nhận rất nhiều thay đổi cơ bản về đường lối chính sách, về luật pháp và xã hội, về triết lý và cách thức hội nhập quốc tế, về an ninh và ổn định... TPP cũng còn có thể làm thay đổi mạnh mẽ cả cục diện quan hệ chính trị quốc tế, kinh tế và thương mại quốc tế. Việt Nam sẽ tận lợi được nhiều từ TPP, nhưng đồng thời cũng sẽ bị thách thức lớn về nhiều phương diện bởi TPP.