Đến Hải quan cũng kêu vì kiểm tra chuyên ngành

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết một số kết quả công tác trọng tâm năm 2016 của Tổng cục Hải quan ngày 10/1, đại diện không ít Cục Hải quan các tỉnh cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện nay quá nhiều khiến DN mất thời gian và chi phí khi làm các thủ tục thông quan hàng hóa.

Tăng cải cách, giảm thủ tục hành chính
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2016, số thu ngân sách của hải quan năm 2016 đạt 272.239 tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán Quốc hội giao, tăng 3,8% so với năm 2015. Một số đơn vị có số thu vượt mức dự toán như Cục Hải quan Hà Nội đạt 109,9%; Đồng Nai đạt 111,9%, Bắc Ninh đạt 119%...

Cán bộ cơ quan Hải quan Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hải quan.

Ngoài việc nỗ lực hoàn thành vượt mức số thu ngân sách, một trong những thành công của cơ quan hải quan năm 2016 là công tác cải cách hành chính, hiện đại thủ tục hải quan. Tính đến hết tháng 12/2016, có 10/14 Bộ chuyên ngành đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 36 thủ tục, xử lý 236.000 bộ hồ sơ hành chính, với hơn 8.700 DN. Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam cũng kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu; sẵn sàng để chính thức kết nối khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực; 6/10 nước đã phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN.
Trong năm 2016, cơ quan hải quan cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiết giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hải quan cho DN. Công tác hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan... cũng giúp cơ quan hải quan kiểm soát tốt hơn các hàng hóa xuất nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Khó vì kiểm tra chuyên ngành
Những nỗ lực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan đã hỗ trợ DN rất nhiều trong tiết giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hải quan. Tuy nhiên, một vấn đề cũ vẫn khiến các DN và cả cán bộ hải quan chưa hài lòng là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, hiện nay, danh mục hàng hóa nhập khẩu về được quản lý theo mã số HS thuộc quy định của Bộ Tài chính. Nhưng có một số sản phẩm nhiều bộ cùng quản lý dẫn đến việc áp mã số không rõ ràng, DN và cơ quan hải quan rất hay tranh luận về vấn đề này. Cụ thể, với mặt hàng sữa thành phẩm, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế với các tiêu chuẩn rất khắt khe. Thế nhưng, đối với sữa nguyên liệu, là sản phẩm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật nên thuộc diện phải kiểm dịch của Bộ NN&PTNT. Ông Lộc đặt câu hỏi, tại sao không đưa sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu về cùng một bộ để quản lý hợp lý hơn, như thế mới thống nhất được các mã số trong danh mục hàng hóa
Ngoài ra, đại diện nhiều cục hải quan cũng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện nay quá nhiều. Văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa kèm theo mã số HS. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan còn quá rộng. Những điều này đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN.
Ghi nhận những ý kiến này của DN, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2017, cơ quan này sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó, sẽ có ý kiến với các cơ quan liên quan về các hạn chế trong công tác kiểm ra chuyên ngành. “Ưu tiên lớn nhất của cơ quan hải quan là tạo thuận lợi cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”- ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Quản lý chuyên ngành là vấn đề bức xúc từ lâu đến nay, bản thân DN và hải quan cũng mất khá nhiều thời gian về vấn đề này.
Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng  Nguyễn Tiến Lộc