Đến lễ hội quê của Chử Đồng Tử xem múa chữ

Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 7/2 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), huyện Gia Lâm đã tổ chức Khai mạc Lễ hội làng Chử Xá năm 2023 và công bố Quyết định công nhận Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tới tham dự sự kiện có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cùng các lãnh đạo Huyện ủy và đoàn thể, sở, ngành của TP Hà Nội cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chúc mừng huyện Gia Lâm đón nhận quyết định Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chúc mừng huyện Gia Lâm đón nhận quyết định Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đức Thánh Chử Đồng Tử là một trong bốn vị Thánh trong “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt. Tương truyền làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là quê hương của Chử Đồng Tử.

Các lãnh đạo thành phố dâng hương tại Đình Chử Xá
Các lãnh đạo thành phố dâng hương tại Đình Chử Xá

Lễ hội truyền thống làng Chử Xá mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội làng Chử Xá, ngày 22/01/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 252/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Toàn cảnh Lễ hội làng Chử xá
Toàn cảnh Lễ hội làng Chử xá

Lễ hội làng Chử Xá diễn ra vào hai ngày 17 và 18 tháng Giêng. Sau các nghi lễ, phần Hội tại Lễ hội làng Chử Xá diễn ra các hoạt động sôi nổi đặc biệt là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ nghìn đời nay: Lễ Chữ (Múa Chữ) Thiên – Hạ – Thái – Bình. Điệu múa Lễ Chữ, còn gọi là múa Chạy Chữ hoặc Múa Chữ có ý nghĩa để tạ ơn Đức Thánh Chử Đồng Tử, đồng thời, gửi gắm nguyện vọng của Nhân dân và mong Đức Thánh phù hộ cho thiên hạ thái bình, thể hiện ước vọng, cầu mong của cư dân nông nghiệp vạn sự được yên bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây được xem là một trong những điệu múa cổ còn lại, độc đáo của vùng đất Thăng Long. Bên cạnh đó, Vào lễ chính hội làng Chử Xá (ngày 18 tháng Giêng âm lịch), nhân dân khắp nơi nô nức đổ về, tham gia các nghi thức cổ truyền, như: Rước nước sông Hồng, dâng hương, tế Tổ, rước văn từ đình làng về lăng thờ thân phụ, thân mẫu Chử Đồng Tử….

Thực hiện lễ chữ gồm 22 thiếu niên (nam giới) dưới 18 tuổi, được lựa chọn là những người có giáo dục, đạo đức tốt và 01 ông kí chỉ
Thực hiện lễ chữ gồm 22 thiếu niên (nam giới) dưới 18 tuổi, được lựa chọn là những người có giáo dục, đạo đức tốt và 01 ông kí chỉ
Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” , nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống. Nhóm xếp chữ vừa đánh trống theo khẩu đeo phía trước bụng theo nhịp của thày chủ trò vừa múa rồi vừa xếp lần lượt thành 04 chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”
Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” , nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống. Nhóm xếp chữ vừa đánh trống theo khẩu đeo phía trước bụng theo nhịp của thày chủ trò vừa múa rồi vừa xếp lần lượt thành 04 chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chia sẻ: “Lễ hội làng Chử Xá còn là lễ hội đặc sắc ở việc phụng thờ các vị thành hoàng. Sự xuất hiện của các vị thành hoàng làng ở các thời điểm khác nhau những lại được cùng phối thờ tại Đình làng Chử Xá. Đây là một điều đặc biệt, khiến các nhà khoa học nhiều năm cất công tìm hiểu, khám phá. Với những nét đặc sắc và đặc trưng như vậy, Lễ hội Làng Chử Xá, xã Văn Đức rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại buổi lễ

Thông qua Lễ hội truyền thống làng Chử Xá, quần chúng Nhân dân huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng có cơ hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa Quốc gia, từ đó, chung tay bảo tồn, tôn tạo và phát triển để quần thể di tích này trở thành điểm đến của du lịch trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.