Vừa qua, giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm. Nói về khả năng điều chỉnh giảm giá xăng, dầu trong nước, lãnh đạo một DN đầu mối nói: "Các DN sẽ chờ động thái điều hành từ Bộ Tài chính!". Ông nghĩ sao về câu nói này?
- Việc quản lý, điều hành giá xăng, dầu là cả một nghệ thuật và rất phức tạp. Tôi nói ngay đến việc quyết định tăng hay giảm thuế thôi cũng phải cân bằng nhiều mục tiêu khác của nền kinh tế. Ở khía cạnh này, chúng ta cũng nên thông cảm cho nhà quản lý.
Trong câu chuyện giá xăng, dầu, người ta còn nói nhiều về trách nhiệm của DN. Giá thế giới lên, DN đã chủ động yêu cầu tăng giá rất nhanh, nhưng giá giảm lại chần chừ. Xăng, dầu là mặt hàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân có tác động trực tiếp về giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Các DN kinh doanh xăng, dầu cần phải xác định nhiều hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình, chia sẻ với đời sống của nhân dân đang rất khó khăn.
Ngày 22/10, Cục Quản lý giá khẳng định nếu không tính lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) DN xăng, dầu đang lãi 200 đồng/lít. Tuy nhiên, Petrolimex cho rằng, "nếu tuân thủ theo đúng Nghị định 84/2009/NĐ- CP, giá bán lẻ xăng vẫn thấp hơn giá cơ sở 500 - 700 đồng/lít". Có cách nào để kiểm soát tính trung thực về điệp khúc "báo lỗ" của DN xăng, dầu không, thưa ông?
- Tôi cho rằng, vấn đề đánh giá lại chi phí giá thành của các DN cần phải có một kiểm toán đánh giá độc lập, công khai. Ví dụ, DN có bao nhiêu lô hàng, số lượng từng lô hàng là bao nhiêu, giá thế nào? Chứ không phải lấy giá chào bán tại Singapore trong 10 hoặc 30 ngày liên tiếp để cộng lại, chia trung bình. Liên bộ vẫn tin vào giá do DN đầu mối kê khai. Rồi sử dụng thông tin về giá trên tờ Patt'S của Singapore để tham chiếu, chưa thể kiểm soát được chính xác giá nhập khẩu của từng lô hàng.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cấn có sự chia sẻ với người dân.Ảnh: Hải Linh
Vì thiếu sự minh bạch nên chúng ta không hiểu DN mua lúc nào, mua với giá bao nhiêu. Thị trường và người dân rất cần có sự minh bạch các khoản lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chiết khấu hoa hồng... trong kết cấu tính giá, để chia sẻ và đồng thuận.
Mỗi lần giảm giá bán lẻ trong nước, cơ quan chức năng thường đưa ra lý do phải tính toán để tăng thuế, trích Quỹ bình ổn giá để hài hòa lợi ích của các bên. Ông đánh giá thế nào về lập luận này của cơ quan điều hành?
Cơ chế giá xăng, dầu hiện nay đang có sự điều tiết từ quỹ, thuế. Nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu được Bộ Tài chính đang thực hiện là tùy theo mức độ mà điều hành theo thứ tự: Khi giá xăng, dầu giá thế giới tăng thì giảm thuế nhập khẩu và cho sử dụng Quỹ bình ổn giá; Khi giá giảm, xem xét đồng thời với việc khôi phục ở mức hợp lý thuế nhập khẩu xăng, dầu và ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá... Tuy nhiên, trong điều kiện người dân và DN khó khăn, với xu thế giá thế giới hiện nay, việc các cơ quan quản lý cần làm hiện nay là điều chỉnh giảm giá xăng, dầu, không nên ưu tiên tăng thuế nhập khẩu lúc này.
Khi trao quyền tự quyết cho DN định giá, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" và thực tế diễn biến giá xăng, dầu thời gian qua cho thấy điều đó là đúng. Theo ông, trong hoàn cảnh này, giải pháp lâu dài cần thực hiện như thế nào?
- Về mặt nguyên tắc, nếu tình trạng độc quyền chưa được giải quyết mà Nhà nước để DN độc quyền tự định giá chắc chắn DN sẽ lạm dụng vị thế độc quyền để đưa ra mức giá bán có lợi cho họ, gây thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, không một quốc gia nào thực hiện quản lý kinh tế theo quy luật kinh tế thị trường lại để tình trạng độc quyền xảy ra trên thị trường cạnh tranh mà không có biện pháp can thiệp. Điều quan trọng hiện này là các cơ quan phải sớm cụ thể hóa Luật Giá. Luật này khắc phục những bất cập để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo khuyến khích cạnh tranh về giá. Không chỉ giá xăng, dầu mà tất cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, người tiêu dùng đòi hỏi cần có sự minh bạch. Khi người tiêu dùng hiểu rõ cơ chế vận hành mới có sự đồng thuận.
Xin cảm ơn ông!
Giá xăng trên thị trường Singapore đã có 11 phiên giảm giá, biên độ chênh lệch có ngày tới 2 - 3 USD/thùng. Hiện, giá xăng A92 thành phẩm dao động quanh mức 113,2 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong tuần, giá dầu thô thế giới cũng đã giảm tới 4,1%.
Thuế nhập khẩu xăng trong nước hiện là 12%, dầu diesel là 8%, dầu hỏa và mazut là 10%. Mức trích quỹ bình ổn
mặt hàng xăng hiện ở mức 500 đồng/lít, dầu 200 đồng/kg.
|