Đến lượt Trung Quốc cảnh báo bắn hạ vật thể bay vào không phận

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày sau cảnh báo bắn hạ vật thể bay không xác định gần vùng biển Bột Hải, Trung Quốc hôm nay (13/2) cho biết các khinh khí cầu tầm cao của Mỹ đã bay trái phép qua không phận nước này hơn 10 lần kể từ đầu tháng 1/2022.

Số liệu được đưa ra bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, khi quan chức này trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh. Ông Uông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Khi được hỏi Trung Quốc đã phản ứng thế nào với các khí cầu đó, phát ngôn viên cho biết phản ứng của Trung Quốc đối với những sự cố như vậy là "có trách nhiệm" và "chuyên nghiệp".

Đáng chú ý, tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cục Phát triển Hàng hải Thanh Đảo ngày 12/2 gửi một thông báo tới các tàu đánh cá rằng một vật thể bay không xác định đã được phát hiện trên vùng biển thị trấn Nhật Chiếu, gần biển Bột Hải. Hãng tin The Paper có trụ sở tại Thượng Hải đưa tin, chính quyền địa phương cho biết họ đã sẵn sàng bắn hạ nó.

Báo cáo cho biết các tàu đánh cá đã được lệnh trong tình trạng báo động và "tránh rủi ro". "Nếu các mảnh vỡ rơi xung quanh thuyền của bạn, hãy giúp chụp ảnh làm bằng chứng. Nếu điều kiện cho phép, hãy giúp trục vớt nó" - tin nhắn của Cục Phát triển Hàng hải Thanh Đảo viết.

Sự việc diễn ra đúng vào thời điểm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài một tuần ở eo biển Bột Hải, khu vực nối biển Bột Hải và phần phía Bắc của biển Hoàng Hải. Nó cũng diễn ra một tuần sau khi Mỹ bắn hạ thứ mà Washington gọi là "khinh khí cầu do thám của Trung Quốc" trên Đại Tây Dương.

Trung Quốc phủ nhận đây là khí cầu gián điệp, nói rằng nó được sử dụng để theo dõi thời tiết và đã vô tình đi vào không phận Mỹ. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington đã phản ứng thái quá khi bắn hạ khí cầu. Quân đội Hoa Kỳ sau đó đã bắn hạ 3 vật thể bay khác trên bầu trời Bắc Mỹ.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhà sản xuất khinh khí cầu bị bắn hạ có "mối quan hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc". Trong khi nhà sản xuất khinh khí cầu lớn nhất Trung Quốc - Viện Nghiên cứu & Thiết kế Cao su Chu Châu, trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc - đã phủ nhận mọi liên quan đến sự cố khinh khí cầu bị bắn hạ ở Mỹ.

Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hủy chuyến công du Trung Quốc vốn được kỳ vọng sẽ giúp "xây dựng nền móng" cho mối quan hệ hai nước nhằm kiềm chế xung đột và xoa dịu căng thẳng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần