KTĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước, làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Người dân tham gia quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Quan điểm của Chương trình này là nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với định hướng phát triển hệ thống đô thị, các vùng kinh tế và phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; phải xác định cụ thể định hướng phát triển và đặc trưng của từng khu vực nông thôn; giải quyết tốt quan hệ giữa xây dựng trước mắt với phát triển lâu dài, giữa cải tạo với xây dựng mới. Đồng thời, phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng.
Đặc biệt, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư, từ ý tưởng quy hoạch đến huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện và quản lý xây dựng.
Rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn
Theo kế hoạch, ngay trong năm nay tiến hành rà soát các xã đã có đồ án quy hoạch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch của các đồ án này đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện mới có hơn 23% trong tổng số hơn 9.100 xã của cả nước có quy hoạch xây dựng. Các xã có quy hoạch chủ yếu cũng chỉ tập trung vào quy hoạch trung tâm xã, số lượng các điểm dân cư nông thôn tập trung có quy hoạch còn thấp. |
Đồng thời, trong năm 2010 cũng triển khai lập quy hoạch xây dựng các xã chưa có quy hoạch xây dựng đối với các xã thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đối với huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết 30a; các xã thuộc các chương trình 134, 135; các xã trong cận đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn); các xã trong khu vực có động lực phát triển cao khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp tập trung (KCNTT), các xã có quốc lộ đi qua; các xã thuộc các khu vực hải đảo và dọc biên giới.
Sang năm 2011 sẽ tiếp tục triển khai lập quy hoạch xây dựng các xã chưa có quy hoạch trong khu vực dự kiến hình thành các vùng động lực phát triển trong tương lai: KKT, KCNTT của tỉnh; các xã có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp: trung tâm chế biến nông sản; vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc sản; các làng nghề truyền thống...; có tiềm năng khai thác du lịch. Khi lập quy hoạch xây dựng nông thôn cho các xã này cần ưu tiên các xã có kết cấu hạ tầng nông thôn lạc hậu nhằm mục tiêu ổn định dân cư, nâng cao đời sống.
UBND các cấp là đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai lập quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi quản lý.
Quyết định nêu rõ, đối với khu dân cư nông thôn hiện hữu, căn cứ các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiến hành đánh giá thực trạng quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội... để xác định nội dung ổn định, phù hợp với quy hoạch được giữ lại, nội dung đã ổn định cần chỉnh trang, cải tạo và những nội dung phải chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc xây dựng mới.
Đối với khu dân cư nông thôn mới (khu tái định cư, di dân, khu kinh tế mới... theo các dự án trọng điểm), nội dung quy hoạch phải nêu rõ các yêu cầu về lựa chọn khu đất và phân khu chức năng; quy hoạch khu ở và khu trung tâm xã; quy hoạch khu sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, KCN; quy hoạch cây xanh, mặc nước và hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, cấp thoát nước, chất thải rắn...).
KTS Phan Mỹ Linh - Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây dựng cho biết, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2010, chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước đang được đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước và đến năm 2020 cả nước có 50 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu Quốc gia về phát triển nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 hướng đến nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ... |