Đến năm 2030 công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng được 70% cho sản xuất trong nước

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Đến năm 2030, đáp ứng được 70%; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp”.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 19/12.

Toàn cảnh hội thảo.
7 tồn tại của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Về tổng thể bức tranh công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất. Cụ thể là 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% điện tử tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.
Thủ tướng lấy ví dụ, Samsung có tỷ lệ sản xuất trong nước, bao gồm cả FDI và DN Việt Nam, trước đây bằng 0 thì nay trên 30%. “Đây được xem là một thành công, người ta cứ nói Samsung là 100% nước ngoài, đó là nhầm lẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra 7 tồn tại của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện tại. Thứ nhất, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Từ đó dẫn đến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp.
Các ngành công nghiệp chưa phát triển do thiếu chính sách đủ mạnh trong việc tăng cường năng lực DN tư nhân, chưa tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định bình đẳng. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên còn dàn trải. Chính sách phát triển công nghiệp thiếu đồng bộ, tính khả thi thấp. Công nghiệp của tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, trên tổng quan DN Việt Nam còn quá ít DN hỗ trợ, năng lực còn thấp. Năm 2016, số lượng DN hỗ trợ chỉ chiếm 4,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đó là chưa nói đến năng lực kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cao.
Yếu kém thứ ba được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là chúng ta đã có một số cố gắng, nhưng chưa đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ Việt Nam còn khoảng cách với các nước trong khu vực. Tư duy “sản xuất kín” vẫn còn phổ cấp trong các ông chủ đầu tư.
Thứ tư, lực lượng tham gia công nghệ hỗ trợ còn chưa bắt kịp xu hướng đi lên của thế giới.
Thứ năm, nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ năng chuyên môn chúng ta vẫn còn hạn chế. Các trường đào tạo chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ sáu, sự gắn kết DN trong nước và FDI còn hạn chế. Nhất là một số FDI chưa chú trọng phát triển nhà cung cấp nội địa, còn khép kín trong sản xuất.
Thứ bảy, nhiều địa phương, bộ ngành chưa dành đất đai cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, công tác xúc tiến và chính sách còn yếu. “Đất đai nằm ở đâu, ở chính các địa phương. Ví như ngành dệt may, tỉnh nào cũng từ chối. Nếu chúng ta thực thi CPTPP, nếu đối đầu với Mexico, chúng ta có thể thua cuộc trong ngành dệt may do công nghiệp phụ trợ kém”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị
Biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất thế giới
Đối với mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của châu Á, thế giới, khu vực ASEAN. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ôtô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển công nghiệp thông minh.
Thủ tướng cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang Seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực. “Các bộ, ngành, địa phương có tinh thần làm việc đó không. Các DN Việt Nam ngồi đây đã thành công và tiếp tục hàng vạn DN khác có muốn làm với tinh thần đó không?”, Thủ tướng nêu câu hỏi và nhấn mạnh, phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào kinh tế.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
Nhìn nhận người Nhật Bản, Hàn Quốc có ý chí lớn phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Thủ tướng nêu định hướng: Chúng ta cần ứng dụng các công nghệ nguồn, công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số phải vào phát triển đất nước. "Chúng ta không thể làm hết tất cả, mọi phụ tùng nhưng nếu trong ngành ô tô mà làm 40 - 50% đã là thành công. Chúng ta có nhiều thị trường, FTA mở rộng, có cả G20 nữa. Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa phải đi nhiều người", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn vai trò của các DN đầu tàu trong việc hỗ trợ, dẫn dắt DN hỗ trợ của Việt Nam phát triển và lần thứ 3 tại Hội nghị Thủ tướng nhắc lại “các DN cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ chức năng chủ trì nghiên cứu, đề xuất các trung tâm nghiên cứu phát triển này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.
NHNN nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm.
Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với DN công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển DN hỗ trợ phải lấy thị trường khu vực và thế giới làm mục tiêu phát triển để cạnh tranh, Thủ tướng giao các bộ liên quan trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhất là chính sách thuế, đất đai, tín dụng…
Sau Hội nghị này, với sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, một số địa phương cần có chương trình hành động để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần