Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 7 khu bảo tồn đa dạng sinh học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết về “Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030” được HĐND thông qua sáng 11/7, với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Thảo luận tại hội trường trước khi thông qua, đa số đại biểu bày đồng tình với Tờ trình do UBND TP đưa ra, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị UBND TP đối với các cơ sở bảo tồn thuộc Trung ương nếu không có quyền quyết định thì nên để là phối hợp bảo tồn; đưa vào bảo tồn vì bãi giữa sông Hồng đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết…
Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có Khu bảo tồn loài vật - sinh cảnh Hồ Hoàn Kiếm
Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có Khu bảo tồn loài vật - sinh cảnh Hồ Hoàn Kiếm
Giải trình đề nghị của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, các cơ sở bảo tồn Trung ương đã nằm trong quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt. Vì các cơ sở này nằm trên địa bàn TP nên TP Hà Nội có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, do đó đưa vào dự thảo Nghị quyết là hợp lý, trong quá trình làm quy hoạch UBND TP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương liên quan. Đối với bãi giữa sông Hồng, hiện các nhà khoa học nghiên cứu do đó chưa đưa vào dự thảo Nghị quyết…

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, đối với các cơ sở bảo tồn Trung ương đóng trên địa bàn thành phố có nêu trong dự thảo Nghị quyết thì cần bổ sung thêm là thành phố phối hợp để
cùng bảo tồn.

Nghị Quyết về “Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030” thể hiện rõ nhằm đảm bảo các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của Hà Nội, các loài và các nguồn gen quý hiếm, tài nguyên rừng được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội theo hướng bền vững.

Cụ thể: Phục hồi, bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của TP Hà Nội. Giảm thiểu, chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, và các đe dọa, tác động tiêu cực khác đến đa dạng sinh học. Đề xuất hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về

bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội, phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên các khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển các cơ sở bảo tồn nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học của TP Hà Nội.

Các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết: Đến năm 2020 củng cố và phát triển các khu bảo tồn hiện có (Vườn Quốc gia Ba Vì, khu K9); thành lập 3 khu bảo tồn mới: Khu bảo tồn loài vật - sinh cảnh Hồ Hoàn Kiếm, diện tích tự nhiên: 11,5ha thuộc địa bàn phường Hàng Trống và Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; khu Bảo vệ cảnh quan Vật Lại, diện tích tự nhiên 10ha nằm trên địa bàn thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì; khu bảo vệ cảnh quan Hồ Tây, diện tích tự nhiên 524ha, nằm trên địa phận các phường: Quảng An, Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Xuân La, Nhật Tân, quận Tây Hồ và chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan; củng cố, phát triển và cấp giấy chứng nhận cơ sở Bảo tồn Đa dạng sinh học cho 5 cơ sở: Vườn Bách thảo Hà Nội; Vườn thú Hà Nội; Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn; hệ thống bảo tồn nguồn gen vật nuôi; hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật quốc gia;

Bảo vệ và phát triển có hiệu quả các diện tích rừng tự nhiên; trồng rừng và cây phân tán để đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5%; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước; giữ nguyên số lượng và tập trung cải tạo cảnh quan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhân tạo trong thành phố; ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của TP Hà Nội như: Cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, gà Mía, cá rô đầm sét...; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đô thị đặc thù TP Hà Nội. Tăng tỷ lệ cây xanh lên 10-12m2/người. Ưu tiên trồng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống;

Lập danh mục các loài sinh vật ngoại lai, xác định được các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và tình hình phân bố trên địa bàn TP Hà Nội. Xác định mức độ ảnh hưởng của một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại đến đa dạng sinh học, vật nuôi, cây trồng và nguồn lợi thủy sản.

Đến năm 2030, thành lập mới 4 khu bảo tồn: Khu Bảo vệ cảnh quan Chùa Thầy, khu bảo vệ cảnh quan Quan Sơn, khu bảo vệ cảnh quan Đồng Mô - Ngải Sơn, khu bảo vệ cảnh quan hồ Suối Hai; củng cố, phát triển và cấp giấy chứng nhận cho 06 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục cải tạo cảnh quan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhân tạo trong thành phố; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,7%. 100% các loài ngoại lai trên địa bàn Hà Nội được đưa vào danh mục kiếm soát và được cập nhập định kỳ theo 3 nhóm danh mục: Danh mục trắng (được phép nuôi, trồng); xám (được phép nuôi, trồng có điều kiện); đen (cấm nuôi, trồng) và có các biện pháp quản lý phù hợp. Củng cố và phát triển các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng.

Theo Nghị quyết, khái toán kinh phí đầu tư, tổng nhu cầu vốn cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030 dự kiến khoảng 73,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí theo các kỳ quy hoạch: Giai đoạn 2015-2020: 33,5 tỷ VNĐ; giai đoạn 2021-2025: 21 tỷ VNĐ; Giai đoạn 2026-2030: 19 tỷ VNĐ. Nguồn vốn đầu tư sẽ do ngân sách Nhà nước; xã hội hóa (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước); tài trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.