Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đèn nhà ai nhà nấy rạng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng mất trật tự văn minh đô thị tại các khu vực giáp ranh (KVGR) giữa nhiều phường, quận đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Tình trạng mất trật tự văn minh đô thị tại các khu vực giáp ranh (KVGR) giữa nhiều phường, quận đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do thiếu tinh thần trách nhiệm chung của các bên liên quan.

Việc quyết tâm lập lại trật tự đô thị tại một số KVGR đã được chính quyền nhiều địa phương liên quan triển khai, nhất là trong việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Nhiều văn bản phối hợp giữa các bên liên quan đã được ký kết với quyết tâm rất cao, nhưng trong thực tế, hiệu quả việc triển khai lại không như trên giấy tờ.

Căn bệnh kinh niên      

Trước tiên, phải khẳng định KVGR giữa các phường, quận là cực kỳ phức tạp và khó quản lý, duy trì trật tự. Đặc thù của KVGR là chỉ một đoạn phố ngắn, một con đường nhỏ, thậm chí một ngã ba, ngã tư thôi cũng thuộc địa bàn của 2, 3 thậm chí 4 phường, quận.

 
Phố Vĩnh Hồ đang là điểm nóng vi phạm trật tự văn minh đô thị.  	 Ảnh: Chiến Công
Phố Vĩnh Hồ đang là điểm nóng vi phạm trật tự văn minh đô thị. Ảnh: Chiến Công
Ví dụ như phố Vũ Hữu, KVGR giữa 2 phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Cả tuyến phố chỉ dài khoảng 1km, dãy số chẵn thuộc Trung Văn, dãy số lẻ thuộc Thanh Xuân Bắc, hai bên cách nhau một cái lòng đường chưa đầy… 3m. Ban đầu nơi đây chỉ xuất hiện chợ “cóc” với chủ yếu là các hàng rau củ quả bán rong. Công an Thanh Xuân tiến hành xử lý, họ rảo vài bước chân là đã ở bên địa bàn Trung Văn, và ngược lại. Cái ranh giới 3m đơn giản ấy mà đủ gây khó dễ cho lực lượng công quyền, giúp chợ “cóc” tồn tại và phát triển dần thành hẳn một cái phố chợ như bây giờ. Hiện nay, nếu ai có dịp qua lại phố Vũ Hữu sẽ thấy tại đây không khác gì là cái chợ với nhà tạm, lều lán, cửa hàng, biển bảng sầm uất, xe dựng san sát mép đường, cả phố không có lấy một mét vỉa hè nào cho người đi bộ đặt chân.

Hay như cây cầu Đông Tác - mốc ranh giới của 2 phường Kim Liên và Trung Tự (quận Đống Đa), từ lâu đã trở thành bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng “hết lại đầy”, hai bên đầu cầu thì hàng rong, xe thồ đứng thành từng đoàn bán hoa quả. Ông Trần Viết Hà, một người dân trong khu vực cho biết: “Phường bên này chỉ dẹp bên này, bên kia cũng vậy. Người bán rong họ biết thế nên thấy công an họ đẩy xe qua cầu là yên tâm… bán tiếp”.

Cũng tại địa bàn quận Đống Đa hiện đang tồn tại chợ “cóc” phố Vĩnh Hồ là KVGR giữa 2 phường Ngã Tư Sở và Thịnh Quang. Đây là một trong những điểm chợ được đưa vào danh sách phải giải tỏa của TP trong năm 2014, nhưng hết quý I/2015, chợ vẫn hoạt động nhộn nhịp hàng ngày. Trong chợ cái gì cũng có, thịt cá, rau quả, hàng chè, hàng cháo…, xe của khách từng dãy ngay ngắn trên… lòng đường. Công an 2 phường cũng ra quân xử lý, thậm chí xử lý nhiều là đằng khác. Hiềm nỗi cứ mạnh phường nào phường nấy đi, và… chỉ dừng lại trên ranh giới phường mình nên đã bước sang năm thứ hai liên tiếp thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” nhưng nếp sống văn minh đô thị nơi đây vẫn không có gì đổi thay.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, phục vụ lợi ích cá nhân đã trở thành căn bệnh dai dẳng đeo bám Hà Nội trong suốt những năm qua, căn bệnh kinh niên đó vẫn đang tồn tại như một thách thức, đặc biệt là ở các KVGR.

Im lặng, đùn đẩy và bao biện
Ngày 20/3, UBND TP đã ban hành Văn bản số 1885/UBND – CT về việc tăng cường chỉ đạo công tác giải tỏa chợ "cóc", chợ tạm trên địa bàn TP. Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thực hiện giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm từ nay đến cuối năm 2015 và báo cáo UBND TP trước 15/4.

Trả lời báo chí về câu chuyện quản lý KVGR ở phố Vũ Hữu, ông Phạm Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết, các quận, phường liên quan đã có cam kết cùng xử lý vi phạm và duy trì trật tự trên con phố này và các KVGR khác từ nhiều năm nay, đến thời điểm hiện tại vẫn định kỳ họp giao ban tổng kết, rút kinh nghiệm. Thế nhưng, mặc cho cơ quan công quyền “rút kinh nghiệm” thế nào đi nữa, phố Vũ Hữu vẫn ngang nhiên tồn tại trong dáng hình một cái “phố chợ” lộn xộn. Từ chối trả lời chính thức, ông Nam “giới thiệu” chúng tôi đem vấn đề này sang hỏi phường Trung Văn. Chúng tôi lại lần lượt tìm đến Công an quận Nam Từ Liêm, UBND phường, Công an phường Trung Văn nhưng các cơ quan này “kiên trì”… im lặng.

Không chỉ Trung Văn, trong quá trình thu thập thông tin viết bài, chúng tôi còn cố gắng liên hệ với nhiều cơ quan chức năng phường, quận khác có liên quan, nhưng tất cả đều chỉ dừng ở mức tiếp nhận câu hỏi mà không hẹn ngày trả lời. Dường như “im lặng” đã trở thành phương thức ứng xử chung của một bộ phận lãnh đạo các phường, quận mỗi khi dư luận và người dân đặt ra những câu hỏi về tinh thần trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật của họ.

Hoặc không “im lặng” thì đại diện cơ quan chức năng lại trả lời một cách vòng vo theo kiểu “đỡ đòn”. Như với hiện tượng chợ “cóc” phố Vĩnh Hồ, trong cuộc trao đổi với chúng tôi. Thượng úy Dương Mạnh Thanh - Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở luôn cố gắng diễn đạt các vấn đề do chợ hình thành từ lâu, lại không có chỗ mới bố trí cho tiểu thương kinh doanh nên khó giải tỏa dứt điểm. Trong khi những câu hỏi về vấn đề phối hợp quản lý, duy trì trật tự giữa 2 phường “tiến hành ra sao? Có khó khăn gì?” lại không được ông Thanh trả lời chính xác. Tâm lý “đèn nhà ai nhà nấy rạng” khiến nhiều phường, quận nơi có KVGR vừa phối hợp không chặt chẽ, thiếu trách nhiệm chung, vừa dễ rơi vào tình trạng “cả nể, bao che” lẫn nhau.

Tại những KVGR, đâu phải lúc nào 2, 3 hoặc 4 phường cũng có thể đồng loạt ra quân hay cùng duy trì lực lượng chốt trực. Đã không thể thống nhất thời điểm, khi mỗi bên đơn lẻ tiến hành giải tỏa vi phạm lại xuất hiện tâm lý: Qua hết ranh giới địa bàn mình là khoanh tay đứng nhìn. Vậy nên tiểu thương chỉ việc dịch sang địa bàn phường khác là có thể an tâm… vi phạm tiếp, thậm chí nhiều người còn đứng bên phường này cự cãi, mạt sát, thách thức Công an phường kia. Thực tế đáng buồn đó cho thấy, chừng nào ranh giới địa lý còn là rào cản đối với ý thức, trách nhiệm của những người chấp pháp thì quản lý trật tự tại các KVGR còn là vấn đề nan giải.   
(còn nữa)