Đến thư viện bát giác cổ kính

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày cuối thu, Hồ Tây như “xanh mênh mông” hơn. Đứng trên tầng 1 thư viện có tên Nhà Bát giác nổi tiếng của trường Chu Văn An ngắm hồ, đón gió, cảm nhận được quá khứ thấm đẫm lịch sử…

Nhà Bát giác có kiến trúc theo phong cách Pháp, với những họa tiết cầu kỳ, gồm 1 tầng hầm và 2 tầng lầu, mặt tiền của nó hướng ra Hồ Tây rộng lớn. Đứng từ sân tầng 1 hướng ra hồ, ngoài màu xanh của nước, nổi bật là những cao ốc hiện đại. Những cao ốc hiện thân cho thời kỳ mới, tương phản với những tòa nhà mang kiến trúc cũ, như chúng tôi đứng nơi thư viện này.
Quá khứ hòa nhập hiện tại
Đến trường Chu Văn An ( số 10 Thụy Khuê, Hà Nội), điều gây ấn tượng nhất là trong khuôn viên rộng lớn có những xà cừ cổ thụ tỏa bóng mát. Một cựu học sinh của trường này cho biết những cây xà cừ này đã có hơn 100 tuổi, tức là gần như có ngay khi trường được xây dựng. Hàng cây, với những dãy nhà cổ kính tạo nên chiều sâu của không gian và thời gian.
Anh Trần Đức Tú, nhân viên thư viện của trường, dẫn chúng tôi qua những dãy nhà, khoảng sân rộng để đến với tòa nhà bát giác huyền thoại.
 Nhà Bát giác cổ kính, nơi có thư viện với nhiều đầu sách quý. Ảnh: Nguyễn Hưng
Anh Đinh Văn Quyên, cũng là một cán bộ thư viện, gặp gỡ chúng tôi, mời ngồi ở bộ bàn ghế đơn giản trên ban công, nơi có thể nhìn ra Hồ Tây. Nơi ban công nhỏ này, với bộ bàn ghế nhỏ còn có cái giá sách xinh xắn. Chúng tôi có thể vừa uống trà, vừa trò chuyện, thi thoảng lật các trang sách, hưởng gió mát…
Theo các tài liệu, Nhà Bát giác là tòa nhà cổ nhất trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An. Công trình được xây dựng từ năm 1898, ban đầu có tên biệt thự Schneider - lấy theo tên người chủ căn biệt thự, sau đó được dùng làm nơi ở của Hiệu trưởng người Pháp trường Trung học Bảo hộ. Năm 1999, tòa nhà được tu sửa và dùng làm thư viện, phòng Hiệu trưởng, phòng máy tính...
Anh Quyên dẫn chúng tôi vào thư viện. Anh cho biết: Thư viện có khoảng 10.000 đầu sách, từ sách giáo khoa đến sách văn học, lịch sử… Vào thư viện, chúng tôi kinh ngạc không chỉ vì đầu sách nhiều, phong phú mà còn vì sách ở đây được chọn lọc có chất lượng cao, phù hợp cho cả những người… nghiên cứu ở rất nhiều lĩnh vực: Văn hóa, triết học, kinh tế,… thậm chí là kỹ thuật quân sự. các tài liệu về tiếng Anh, tiếng Pháp ở đây cũng rất nhiều; ngoài ra là các loại báo, tạp chí, băng đĩa. Tại đây còn thư viện thông minh, số hóa hàng chục ngàn đầu sách, nơi giáo viên, học sinh có thể truy cập để nghiên cứu học hỏi. Anh Quyên cho biết: Sách cho thư viện có rất nhiều nguồn, của cựu học sinh, các tổ chức.
Thư viện này cũng chia sẻ nhiều sách cho các trường, các đơn vị khác. Nơi đây cũng là nơi nhiều đoàn trong và ngoài nước đến tham quan, giao lưu học hỏi.
Thế giới thân thương học đường
Vẻ đẹp của tòa nhà cổ bát giác được tôn lên bởi Hồ Tây, bởi khuôn viên trường rộng lớn có khu vực sinh hoạt chung, khu tập thể dục thể thao, cùng các điểm thơ mộng khác mà học sinh có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng, có thề tương tác với nhau một cách lành mạnh.
Rời tòa bát giác, chúng tôi bắt gặp ngay Vườn Thượng uyển (tưởng như chỉ có trong cung điện của nhà vua). Khu vườn này khá rộng, nơi xanh và mát nhất của trường Chu Văn An và cũng được học sinh trường này hãnh diện vì sự “có một không hai” tương tự thư viện bát giác. Trong vườn có khá nhiều loại cây với khoảng 10 loài hoa đẹp nở theo mùa.
Khác với Vườn Thượng uyển, Đồi Thế kỷ là nơi khuất sâu trong khuôn viên trường, như là địa điểm thích hợp để ngắm Hồ Tây. Những ngày thời tiết nóng bức, đây là nơi đến để hưởng gió mát từ hồ thổi vào. Có thuyết cho rằng, Đồi Thế Kỷ được tạo nên bởi vật liệu thừa sau khi xây dựng trường.
Bên cạnh đó, đồi này cũng có khá nhiều giai thoại lạnh gáy về ma. Vì khu đồi nằm tại một địa điểm khuất sâu trong trường nên nhiều học sinh nói rằng đã từng gặp ma hay nghe nói nhìn thấy ma ở khu vực này. Đương nhiên, đây là những câu chuyện mang hơi hướm nghịch ngợm tuổi học trò.
Như đã nói, khuôn viên có nhiều nơi đẹp như vậy, khiến thư viện bát giác càng trở nên lộng lẫy hơn. Đây là nơi giáo viên của nhà trường và hơn 2.000 học sinh có đủ tư liệu để trở nên những người có nhiều kiến thức. Trường Chu Văn An là nơi của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng dạy học; nhiều học sinh của trường là lãnh tụ, nhà chính trị, quân sự, toán học, văn học - nghệ thuật… Đây là một lĩnh vực khác để dành nhiều thời gian khám phá mới có thể hiểu phần nào.
Nhưng vẻ đẹp học đường - tri thức học đường ở ngôi trường nổi tiếng này dường như đang được tiếp nối. Chúng ta hãy thử đọc điểm sách của một học sinh về tác phẩm “Cuộc đời của Pi” (Yann Martel):
“Đối với tôi, cuộc đời của Pi là một cuốn sách chỉ dẫn về thế giới cảm xúc bên trong đầy đủ nhất của con người, thậm chí tôi coi đó là một bản đồ để mình dò đường mỗi khi cảm xúc bị lạc đường, và không biết mình sẽ phải như thế nào. Trong những hỗn loạn của cảm xúc, tôi bắt đầu nhận ra mình nên đi về đâu từ cuốn bản đồ này”...
Với du khách, như chúng tôi chẳng hạn, ngôi trường Chu Văn An, đặc biệt là thư viện bát giác cũng là một bản đồ chỉ dẫn đầy cảm xúc, nơi cổ kính phong cách kiến trúc, nơi chứng kiến sự hun đúc bao bậc nhân tài của đất nước, địa điểm phong cảnh hữu tình xứng đáng được mọi người chiêm ngưỡng.

Vẻ đẹp của tòa nhà cổ bát giác được tôn lên bởi Hồ Tây, bởi khuôn viên trường rộng lớn có khu vực sinh hoạt chung, khu tập thể dục thể thao, cùng các điểm thơ mộng khác mà học sinh có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng, có thể tương tác với nhau một cách lành mạnh.