Tuy nhiên đây không chỉ là hành động mê tín mà còn gây phản cảm với nhiều du khách.
Mặc dù đã có quy định cấm nhưng nhiều sĩ tử vẫn trèo qua hàng rào để sờ đầu rùa cầu may tại Văn Miếu. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Là con trai của một ông đồ - một trong những ông đồ cuối cùng của Hà Nội xưa từng viết chữ thánh hiền như phượng múa rồng bay ở khu vực Văn Miếu những ngày Tết đến Xuân về, nên khi còn nhỏ, ông giáo Huệ được cha cho đi học chữ quốc ngữ song hành cùng chữ Hán. Dù không thức thời nhưng đó cũng là cái đạo “học vì mình” mà cha ông thấm được.
Nối nghiệp cha, ông Huệ theo nghề giáo, nghèo nhưng vẫn giữ cốt cách thanh tao. Dù cũng như bao nhiêu người ở thế hệ ông, đã trải qua thời kỳ đất nước vô cùng khó khăn, dẫu miếng cơm chưa no, nhưng sự học thì không thể dừng. Đã nghỉ hưu từ lâu lắm, nhưng mỗi mùa Thu đến, ngày hội khai trường của học sinh cả nước lại khiến ông giáo Huệ bồi hồi. Những con chữ trong bài thơ “Ngày khai trường” của thi sĩ Nguyễn Bùi Vợi mà ông thường đọc cho học trò nghe mỗi ngày đầu năm học lại nhảy nhót trong đầu: “Sáng đầu thu trong xanh/ Em mặc quần áo mới/ Đi đón ngày khai trường/Vui như là đi hội”… Ông từng nghĩ, có lẽ ngày đẹp nhất trong năm ở đất nước Việt Nam chính là ngày khai giảng.
Owen là một chàng trai người Mỹ sang Việt Nam làm việc và kết hôn với một phụ nữ Việt. Vợ chồng anh sống cạnh nhà ông giáo Huệ. Biết ông là cựu giáo chức, Owen tỏ thái độ rất tôn trọng. Những khi rảnh, gặp ông, bao giờ Owen cũng dành một chút thời gian để trò chuyện bằng tiếng Việt còn ngọng nghịu của mình. Tháng 9/2015, con trai đầu của Owen đi học tiểu học. Rất hồi hộp, Owen xin ý kiến của ông giáo Huệ, về việc trẻ em Việt Nam, nhất là ở Hà Nội khi đi học thì sẽ như thế nào. Ông bảo nên cho cháu đi tham quan một số di tích, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám chẳng hạn. Vừa nghe đến đó, Owen đã rất vui vẻ: “Có phải để sờ đầu rùa không ạ?”. Nghe Owen nói, ông giáo Huệ giật mình. Trời ơi, từ khi nào anh chàng này lại tin vào câu chuyện sờ đầu rùa lấy may đầy mê tín và phản cảm như thế. Hẳn anh ta đã được nghe người ta nói khi tìm hiểu về Văn Miếu. Việc sờ đầu rùa đá đội bia ở Văn Miếu trước kỳ thi, trước năm học mới của vô số người được tin rằng sẽ đem đến may mắn và hanh thông trong suốt quá trình học tập. Đến nỗi người ta đã phải tạo rào bảo vệ cho các rùa đá, mất đi phần nào mỹ quan di tích, nhưng khó mà khác được.
Suốt cuộc đời dạy học của mình, ông giáo Huệ chưa từng một lần khuyên con cháu hay học trò của mình đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ để sờ đầu rùa cầu may. Trong số các học trò nhiều thế hệ của ông, rất nhiều người đã thành đạt, trở thành những người quan trọng trong xã hội. Họ chỉ dựa vào tinh thần học vì mình. Chính lúc này đây, cái sự học vì mình đã không còn nữa. Học trò, và cả thầy cô, cha mẹ đã không còn được chọn lựa. Họ chỉ còn một con đường duy nhất càng ngày càng lên cao, đó là thành tích. Họ biến việc học vì mình thành học vì người. Học là vì người khác: Cha mẹ, ông bà, thầy cô.
Owen đến từ một đất nước xa xôi, anh biết rằng Việt Nam là một đất nước hiếu học và coi trọng sự học. Và Hà Nội - TP mà anh đang sống luôn luôn là đất học, tập trung sự học của cả nước. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, chứng kiến hàng trăm nghìn học sinh từ khắp nơi đổ về Hà Nội dự các kỳ thi đại học, Owen biết rằng các con của mình đã may mắn như thế nào khi được sống trong môi trường mà tinh thần học tập sôi động nhất trên đất Việt.
Nhưng Owen không biết rằng, trong lòng ông giáo Huệ là một nỗi tiếc nuối xa vời những hình ảnh học trò ngày khai giảng. Học sinh ngày nay đã không còn náo nức đón ngày khai giảng để gặp gỡ bạn bè, “ôm vai bá cổ” sau 3 tháng nghỉ Hè nữa. Bởi trong thời gian nghỉ Hè, chúng gặp nhau suốt trong các lớp học thêm được mở tại chính trường học của chúng. Ông giáo Huệ vẫn tin rằng, rồi sẽ có một thế hệ học vì bản thân mình, cho những điều tốt đẹp nhất mà mỗi người có quyền được cho đi và nhận lại.
Rào sắt và ý thức Được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và hệ thống 82 bia đá tiến sỹ tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Hệ thống bia đá đang bị xuống cấp chính vì sự thịnh hành quan điểm sờ đầu rùa lấy may trước mỗi kỳ thi của du khách khi đến thăm Văn Miếu. Có từ thời Lê - Mạc (1442-1779), hệ thống bia đá tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trải qua gần 600 năm lịch sử. 82 bia đá là những tấm bia tiến sỹ duy nhất ở Việt 82 bia đá tiến sỹ giờ đã bị tác động bởi điều kiện tự nhiên và con người. Năm 1994, nhà che bia mới được xây dựng nhằm hạn chế những tác động tới bia đá. Hiện nay, hầu hết các bia đá đều bị hư hỏng cấu trúc như sứt mẻ bề mặt, nước mưa bào mòn, ảnh hưởng của nấm mốc làm mờ chữ, nứt đế chân… Thời gian qua, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tạo hàng rào ngăn không cho du khách xoa đầu rùa, tăng cường lực lượng nhắc nhở du khách. Tuy vậy, dẫu có giăng mắc lực lượng bảo vệ khắp nơi, thậm chí gắn camera quan sát; vào những giai đoạn cao điểm, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhờ thêm lực lượng tình nguyện viên trông coi 82 bia đá tiến sỹ nhưng vẫn không ngăn hết được hành động vô tư trèo rào sắt sờ đầu rùa. Đã có thời, các nhà khoa học tốn không biết bao giấy mực chỉ bàn bằng cách nào xóa sổ hiện tượng trên. Có ý kiến cho rằng nên dựng tấm kính trong suốt bảo vệ, nhưng như thế không khác gì việc đưa bia đá vào tủ kính. Hàng rào sắt dựng lên cũng chỉ là biện pháp trước mắt. Làm thế nào để bảo vệ di sản này không bị bào mòn vì sở thích sờ đầu rùa vẫn còn là nỗi lo. Lan Ngọc |