Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiền “hương nhang”, tiền“giọt dầu” là tiền lễ thể hiện tấm lòng thành của người đi lễ ở những nơi thờ tự linh thiêng. Tuy nhiên, nét văn hóa đẹp đó đang dần bị thay đổi theo chiều hướng xấu.

Cùng với quan niệm chưa đúng của nhiều người, không biết từ bao giờ, dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện và ngày càng phát triển, biến tướng tại hầu hết các điểm tham quan, du lịch, lễ hội. Từ nhiều năm nay, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như ngân hàng, văn hóa, các ban quản lý di tích…, vấn nạn này đang bị lên án và năm 2015, một lần nữa quyết tâm này tiếp tục được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Vậy, có dẹp bỏ được tình trạng này? Báo Kinh tế & Đô thị, đã có cuộc trao đổi ngắn với các nhà quản lý, các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

 
Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người - Ảnh 1
Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng chùa Hương: Vẫn có nhiều người lén lút đổi tiền chênh lệch

So với các năm trước, mùa lễ hội năm 2014, hiện tượng rải tiền lẻ đi lễ ở chùa Hương đã giảm đi rất nhiều. Một mặt, chúng tôi tiến hành tuyên truyền cho người dân truyền thống cúng tiến tiền khi đi lễ của người Việt mang ý nghĩa đóng góp chút tấm lòng hương nhang cho đình, chùa. Hành động rải tiền, ném tiền, cài cắm tiền mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay rất phản cảm, không đúng với ý nghĩa của đạo Phật. Mặt khác, Ban Tổ chức cũng tiến hành thanh tra, lập biên bản đối với các cá nhân có hành động đổi tiền ăn chênh lệch. Trong năm 2014, chúng tôi lập biên bản và thu giữ tang vật của hơn 10 cá nhân. Tuy nhiên, do năm 2014 chưa có chế tài xử phạt nên hết mùa hội, tiền và tang vật được trả lại cho người bị thu giữ.

Trước mùa lễ hội 2014, Ngân hàng Nhà nước và Bộ VHTT&DL đã có công văn yêu cầu các địa phương có biện pháp hạn chế việc đổi tiền, rải tiền ở các di tích. Ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng có công văn chỉ đạo thắt chặt các hoạt động ngày. Trước các quy định đó, việc đổi tiền ở khu di tích danh thắng chùa Hương có giảm, không công khai; nhưng cũng có nhiều cá nhân lén lút thực hiện. Bởi vì, 1 - 2 tháng trước khi diễn ra lễ hội, họ đã bỏ vốn ra đổi tiền, nếu cấm hẳn thì cá nhân đó sẽ bị thiệt hại. Rút kinh nghiệm, năm nay, 2 tháng trước mùa hội, Ban quản lý di tích danh thắng chùa Hương đã tuyên truyền, vận động các đối tượng này. Hơn nữa, Chính phủ vừa ra Nghị định 96/2014/NĐ-CP nên chúng tôi đã có chế tài xử phạt, chắc chắn những hành động vi phạm sẽ bị xử lý.

Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người - Ảnh 2

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Không phải cứ rải tiền là muốn cầu gì được nấy

Việc đi lễ rồi dâng tiền để cầu xin Phật, thần thánh về tiền tài là hoàn toàn mê tín và không đúng. Nhiều người đổi tiền lẻ rồi bày la liệt khắp các ban, như đặt lên tay tượng, các nơi thờ tự để cầu tài, cầu lộc là việc làm không tôn nghiêm, không nên làm. Nguyên nhân cũng bởi một số người dân ít hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo, cộng thêm tâm lý đám đông nên đã có những hành động biến tướng, sai lệch.

Nếu người đi lễ muốn công đức thì nên đặt tiền vào thùng công đức của các điểm tín ngưỡng và nhà chùa. Những nơi đó sẽ gom góp dùng tiền công đức để tu bổ chùa cảnh, đền, miếu. Theo tôi, người dân đi lễ đầu năm là việc nên khuyến khích nhưng cũng phải hiểu được muốn sống cuộc sống an lành, hạnh phúc thì ngay tự bản thân mình cần trau rồi đạo đức, bỏ bớt những tham, sân, si cũng như những việc làm không chân chính. Nếu được như vậy thì mới viên mãn ý nguyện và sẽ có cuộc sống yên bình, an lạc. Do vậy, tôi khuyên tất cả mọi người đi lễ hãy bằng tâm trong sạch nhất của mình để mà cầu nguyện. Như vậy mới mang lại niềm hạnh phúc an lạc. Mọi người có được viên mãn hay không là do sự tu tập, tu tập tốt cuộc sống sẽ thanh bình, an lạc, sức khỏe, tâm hồn trong sáng... Do vậy, không phải vì cứ rải tiền lẻ ra là muốn cầu gì được nấy.

 

Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người - Ảnh 3
GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Pháp quyền chỉ là giải pháp tình thế

Thực tế hiện tượng rải tiền lẻ đi lễ chùa mới xuất hiện gần đây. Cách đây 20 – 30 năm, tôi để ý không ai dám thực hiện những hành động này. Bởi vì, người ta coi bàn thờ là thế giới của tầng trên, tầng trời. Hai cây nến hoặc là hai cây đèn của hai góc là tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng. Cây hương ở giữa tượng trưng cho sự tinh tú. Nếu có đặt tiền “giọt dầu” cũng phải đặt trên cái đĩa, không bao giờ được để trực tiếp trên mặt bàn thờ. Và mục đích của tiền “giọt dầu” cũng chỉ là để mua dầu, mua hương hoặc nhiều hơn thì tu sửa nhỏ trong chùa.

Hành động rải tiền lẻ xuất phát từ quan niệm sai lầm của người Việt về thần linh. Truyền thống của người Việt coi thần linh không phải là thế lực siêu phàm, dùng quyền năng để con người mua chuộc. Thần linh vì những con người có thiện tâm, bênh vực những người tốt. Cách đây 600 năm, người Việt đã nhìn nhận giá trị của thần linh trên câu bia ở chùa Búi Khê (Thanh Oai, Hà Nội): Anh tú của đất trời là sông núi. Anh tú của sông núi là thần linh. Thần linh phải đem mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, mọi mặt hạnh phúc đến cho con người. Thần linh có nghe lời cầu xin nhưng phải là cầu xin cái đúng, cái thiện. Đức Phật đã dạy lên chùa làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ, xây dựng lại con người, đức hạnh của mình. Ngày nay, con người coi thần linh như một thế lực hỗ trợ sau lưng để thực hiện những công việc ở ngoài đời, đôi khi là việc mang tính ẩn thiện.

Ngày nay, chúng ta quên một công việc quan trọng trong văn hóa, đó là giáo dục tâm linh. Bởi vì những người quản lý tín ngưỡng bị rơi vào vòng xoáy kinh tế. Họ quên, thậm chí không hiểu về bản chất của tâm linh để giáo dục chúng sinh. Để chúng sinh càng mù mờ bao nhiêu càng làm lợi cho kẻ buôn thần bán thánh. Khi giáo dục tâm linh chưa được mở rộng chúng ta đành phải dùng biện pháp pháp quyền để ngăn chặn hiện tượng xấu. Theo tôi, đó là biện pháp tình thế cần thiết để giảm sự lộn xộn, mất văn hóa ở lĩnh vực tâm linh. Nhưng về lâu dài rất cần những người làm công tác văn hóa phải nói rõ thực chất của mối quan hệ giữa con người với thế lực siêu hình bằng cái tâm hướng thiện.

Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người - Ảnh 4

Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL: Tình trạng rải tiền lẻ sẽ giảm dần!

Năm 2014, trong quá trình đi thanh tra, kiểm tra các di tích, hầu hết các nơi đều xảy ra tình trạng rải tiền, nhét tiền vào tay Phật, ném tiền ở các tuyến cáp treo… Đến đâu, chúng tôi cũng phải nhắc nhở Ban Quản lý di tích bố trí người thu gom, không để những hình ảnh không đẹp này xuất hiện.

Năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt. Mặc dù, thanh tra văn hóa không có chức năng xử phạt, mà là thanh tra Ngân hàng Nhà nước, công an, đội quản lý thị trường…, nhưng tôi tin rằng, việc đổi tiền ăn chênh lệch sẽ giảm đi rất nhiều, không còn xuất hiện công khai, chỉ có thể thực hiện lén lút.
Nhưng theo tôi, đã là lễ hội, chốn đông người lúc nào cũng có chuyện nọ chuyện kia, người có ý thức và người kém ý thức; không thể tuyệt đối được. Dù năm nay đã có chế tài xử phạt cũng chưa thể khẳng định sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng rải tiền lẻ nơi lễ chùa, chỉ có thể hy vọng giảm thiểu một cách tối đa  mà thôi.

Dẹp nạn đổi tiền lẻ: Quyết định vẫn là ý thức của mỗi người - Ảnh 5

Chị Nguyễn Ngọc Anh (phố Hồ Đắc Di, Đống Đa): Thói quen cần thay đổi

Mấy năm trước, tôi cũng từng đổi tiền lẻ đi lễ chùa. Thật ra, việc đi lễ bằng tiền lẻ cũng chủ yếu do thói quen, người này lễ bằng tiền lẻ, người kia cũng lễ theo, chứ trong ý thức, tôi nghĩ mọi người đều hiểu, đi lễ chủ yếu do lòng thành chứ không phải lễ nhiều là được phù hộ nhiều. Từ năm 2014, sau khi được tuyên truyền và nhìn thực tế cảnh rải tiền lẻ ở các đình, chùa đúng là hơi phản cảm, tôi đã thay đổi thói quen. Thay vì dâng tiền lẻ lên bàn thờ, tôi chọn cách đóng góp vào hòm công đức ủng hộ nhà chùa và cũng là cách thể hiện lòng thành.

Năm nay, theo quan sát của tôi, ở các đình, chùa, tình trạng đổi tiền lẻ đi lễ đã được hạn chế rất nhiều. Đây là thói quen văn minh cần được phát huy.