Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may dịch chuyển sang phát triển bền vững để hiện thực hóa mục tiêu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đặt ra kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023 đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cơ hội trong thách thức. Trọng tâm sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang bền vững, kinh doanh tuần hoàn

Dây chuyền sản xuất trong phân xưởng Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Dây chuyền sản xuất trong phân xưởng Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Cơ hội xen thách thức

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, thị trường dệt may năm 2023 đã trầm lắng hơn, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã phục hồi hoàn toàn và có xu hướng vượt qua thời điểm trước dịch. Trong đó, dệt may Việt Nam đã bứt phá về thị trường, mặt hàng  với 104 thị trường xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường mới như châu Phi, Nga, các nước đạo Hồi. Điều này cho thấy, dệt may Việt Nam đang dần giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn.

Dù đối diện với nhiều thách thức, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm thông tin, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD. Có được kết quả trong khó khăn, VITAS tổ chức nhiều hoạt động nhằm đảm bảo tính minh bạch, xanh hóa trong sản xuất, kết nối các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với đối tác trên thế giới, góp phần không nhỏ đưa hàng hóa dệt may vươn xa.

Thương hiệu DeTHEIA của Tổng Công ty May 10 được thiết kế thời trang, giá thành cạnh tranh chinh phục thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
Thương hiệu DeTHEIA của Tổng Công ty May 10 được thiết kế thời trang, giá thành cạnh tranh chinh phục thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng. Muốn hoàn thành mục tiêu, buộc phải tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0…

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang

Bước sang năm 2024, ông Trương Văn Cẩm nhìn nhận, tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, có khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may hơn năm 2023. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024; Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt, hiện chỉ chờ hoạt động cụ thể để triển khai.

Đó là những cơ hội, song thách thức chính là yêu cầu thị trường áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi... Tăng trưởng kinh tế thế giới hai năm tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cuộc xung đột Israel và lực lượng Hamas, cùng chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước.

Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với Bangladesh. Trong khi quốc gia này đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, còn dệt may Việt Nam mới đang trên bước đầu chuyển đổi.

Tuần hoàn sản xuất, kinh doanh

Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Giai đoạn từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Tổng Công ty May 10 tiên phong áp dụng công nghệ, từng bước xanh hóa để nâng cao tính cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Công ty May 10 tiên phong áp dụng công nghệ, từng bước xanh hóa để nâng cao tính cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên

“Giải pháp chính của ngành dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt - nhuộm - hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...” – vị này nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, giữ chân lực lượng lao động. Doanh nghiệp cũng đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế... Qua đó, khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Nhằm tìm cơ hội trong thách thức, ông Trần Thanh Hải đề xuất, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải, cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Ngoài ra, đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…

Cũng theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ngành dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá. Bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...)

 

"Để thực hiện mục tiêu đề ra đối với ngành dệt may, VITAS kiến nghị, Nhà nước triển khai sớm gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hôi, nhà ở công nhân. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến 2030, tầm nhìn 2035”. Đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ- CP. Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc" - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm