Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may lỡ hẹn mục tiêu 40 tỷ USD

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu sự tác động rất lớn từ suy giảm kinh tế thế giới và xung đột thương mại Mỹ -Trung. Dù vẫn giữ được mức tăng trưởng khá với tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 39 tỷ USD, nhưng vẫn hụt 1 tỷ USD so với mục tiêu XK 40 tỷ USD của năm.

 Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Hải Linh

Hụt 1 tỷ USD
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%, giá trị nhập khẩu phục vụ cho XK đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may XK đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch XK ước đạt 15,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38,97%; EU đạt 4,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9%... “Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu sự tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá với tổng kim ngạch XK đạt 39 tỷ USD là điều đáng khích lệ” - ông Vũ Đức Giang nói.
Về mục tiêu không đạt được, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều DN XK dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau, nhưng năm nay đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Hiện, lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nhiều DN không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Ngoài ra, các DN dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Bên cạnh đó, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác.
Giải bài toán quy hoạch
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng đề nghị, muốn phát triển ngành dệt may phải hình thành nguồn cung ứng nguyên phụ liệu theo chuỗi. Dù có chủ trương nhưng thực hiện không quyết liệt nên tốc độ tăng trưởng chậm, gia công là chính, lệ thuộc nước ngoài nhiều, thậm chí ít hơn 30% tỷ lệ nội địa nguyên phụ liệu... Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Giang cho rằng, thách thức của ngành dệt may liên quan đến tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, hiện ngành dệt may đang nhập khẩu hơn 50% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Vấn đề này riêng ngành dệt may không làm được mà phải có định hướng chiến lược của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương.
Các FTA đều đặt ra yêu cầu rất rõ về quy tắc xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế suất. “DN XK dệt may Việt Nam mua vải trong các nước thuộc khối CPTPP rồi XK hàng may mặc vào nội khối sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng nếu nhập khẩu vải từ Trung Quốc thì sản phẩm XK đi lại không nhận được ưu đãi” – vị này dẫn dụ. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ các TP lớn về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, DN khi sử dụng lao động chưa được đào tạo vẫn phải ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và đóng lương tối thiểu vùng… theo luật.
Để tháo gỡ, lãnh đạo Vitas cho rằng: Mấu chốt là sớm ban hành quy hoạch phát triển ngành dệt may. Nếu không đưa ra quy hoạch ngành nhanh chóng, xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu thì nguy cơ thua thiệt rất lớn. Hiện, Vitas đã có tờ trình với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng như có nhiều cuộc làm việc để sớm cho ra đời quy hoạch ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong quy hoạch phải xác định mục tiêu, Việt Nam đứng ở đâu và cạnh tranh với đối thủ nào trên “bản đồ” dệt may thế giới. Đồng thời, xác định rõ vai trò của Chính phủ trong chiến lược quy hoạch quỹ đất của các địa phương nhằm phát triển khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đủ sức hút kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực dệt, nhuộm... giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu. "Cục Công nghiệp đang hoàn thiện quy hoạch. Dự kiến tới đây, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét, thông qua quy hoạch ngành dệt may, như vậy mới có chiến lược phát triển bền vững” - ông Giang thông tin thêm.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện Việt Nam đứng thứ 3 về XK dệt may trên thị trường thế giới, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động và tiếp tục tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới mỗi năm. Ngành dệt may Việt Nam cũng rất năng động nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, góp phần đưa đất nước hội nhập nhanh chóng vào cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng, có tính bước ngoặt, thay đổi thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng