Chồng chất khó khănDưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không và da giày. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, theo thông lệ hàng năm, thời điểm này các DN dệt may Việt Nam đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các DN Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Đối với các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho những tháng cuối năm.Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang, mục tiêu xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2020 là 42 tỷ USD, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80 - 90%. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu dự kiến chỉ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019.Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh chia sẻ, công suất của May Hồ Gươm hiện cũng mới chỉ đạt hơn 60% lượng đơn hàng so với kế hoạch. Trong điều kiện bình thường, cứ tới đầu quý III là DN đã có đủ đơn hàng cho cả năm nhưng dịch Covid-19 khiến đơn hàng trở nên khan hiếm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của May Hồ Gươm là 30 triệu USD, năm nay có thể giảm đi 10%.Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn do tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều DN dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.Gỡ vướng mắc, hỗ trợ xuất khẩuPhó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù, sau quý I/2020, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi, song, hiện nay, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là vướng mắc lớn nhất với các DN dệt may Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Nhằm từng bước gỡ khó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho DN dệt may. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tổ chức nhiều đợt kết nối cung - cầu giữa DN trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, các DN dệt may Việt Nam cũng ký kết thêm được một số đơn hàng để duy trì sản xuất và từng bước phục hồi.Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để phù hợp với những biến động thị trường, thời gian tới, DN dệt may cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Những tháng cuối năm, bên cạnh việc tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất, DN cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, DN cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất là DN dệt may Việt Nam không tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi để tận dụng được ưu đãi thuế, chẳng hạn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), các DN phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng này hiện vẫn còn khá thấp. Do vậy, các DN ngành dệt may phải chủ động tận dụng ưu đãi từ EVFTA nhằm xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU. Đối với hai thị trường tiềm năng là Canada và Australia, các DN cần nắm bắt thời cơ, tìm kiếm đối tác nhập khẩu bằng việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm như: Kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành dệt may, da giày, gạo… Dự kiến các giải pháp tháp gỡ sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2020.Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |