Dệt may rộng cửa vào EU

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dệt may được đánh giá là một trong những ngành hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu (XK) sang các nước EU khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải giải quyết những “nút thắt” về nguyên liệu sản xuất, xuất xứ hàng hóa.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải
Cơ hội lớn
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020, thuế suất với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%. Đây là cơ hội cho ngành dệt may XK hàng hóa vào thị trường EU.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, với ngành dệt may, EU là thị trường lớn và vô cùng hấp dẫn, bởi hàng năm thị trường này nhập khẩu (NK) trên 100 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2019, kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam sang thị trường EU mới chỉ đạt 4,4 tỷ USD.
Năm 2020, May 10 đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu hơn 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận 90 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, May 10 đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn khảo sát và tham gia hội chợ, triển lãm tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng, thị trường mới, đồng thời áp dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế thời trang và phát triển thương hiệu.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt
Chia sẻ về những cơ hội cho ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài, bởi các đơn hàng dệt may của EU có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác. Vì vậy, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 42 tỷ USD, trong đó thị trường EU chiếm trên 20%. Theo nhận định của Hội Dệt may Hà Nội, các FTA trong đó có EVFTA đã và sẽ tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam. “Lợi thế từ các FTA và EVFTA sẽ tiếp tục tạo ra lực hút cho các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm của ngành dệt” - Chủ tịch Hội Dệt may Hà Nội Nguyễn Văn Đồng nói.
Giải quyết thiếu hụt nguồn cung
Mặc dù EVFTA tạo cơ hội cho ngành dệt may XK sản phẩm Việt vào thị trường EU, tuy nhiên ngành dệt may cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Theo quy định của EVFTA, để hưởng được lợi ích về thuế suất, các sản phẩm dệt may XK vào EU phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, sản phẩm may phải sử dụng nguyên liệu và được cắt may tại Việt Nam hoặc EU, trong khi phần lớn các DN Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Đặc biệt, 80% nguyên liệu vải mà DN dệt may sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan vốn chưa có hiệp định FTA với EU. Mặt khác, EU là thị trường đẳng cấp và khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường (quy định REACH).
Các DN ngành dệt may cần tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật thương mại quốc tế, yêu cầu xuất xứ, lộ trình giảm thuế, rào cản kỹ thuật… của các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… để tận dụng cơ hội và vượt qua các rào cản của các nước NK, qua đó nâng cao kim ngạch XK hàng Việt vào những thị trường này.
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang
Nói về những giải pháp tháo gỡ cho DN dệt may trong quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, tại hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại ngành dệt may" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCIFV) vừa tổ chức, Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cầm nêu rõ, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi để sản xuất hàng hóa XK sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan, DN dệt may cần tăng cường khai thác nguồn vải từ các nước đã ký FTA với EU, chẳng hạn như Hàn Quốc. Có như vậy là bởi, EVFTA cho phép cộng dồn của các quốc gia đã có FTA với châu Âu, trong đó Hàn Quốc là quốc gia sản xuất vải tương đối lớn đã ký FTA với EU, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải của hiệp định mới. Đây là điểm thuận lợi mà DN dệt may cần đẩy mạnh liên kết với DN Hàn Quốc để chuẩn bị cho đơn hàng sang châu Âu được tốt hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ của EVFTA, đây là động cơ để các bộ, ngành, hiệp hội kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam. “Năm 2018 đã có một tập đoàn Đức đầu tư một nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, điều này đã tạo ra động lực cho các DN đầu tư vào ngành dệt may giải quyết nguồn cung thiếu hụt ở Việt Nam” - ông Thái nêu ví dụ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đáp ứng nguồn cung cho ngành dệt may vào thị trường EU, các DN cần đẩy mạnh phối hợp hình thành chuỗi liên kết xây dựng chuỗi liên kết dệt - may - phụ liệu mang tính ổn định. Qua đó hạn chế tình trạng nhà đầu tư nước ngoài di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác, góp phần mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho hàng dệt may Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần