Kinhtedothi - Ai về thăm làng dệt the lụa La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, thời điểm này hẳn sẽ không khỏi chạnh lòng bởi một làng dệt the nổi tiếng của Thăng Long xưa nay đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Anh Lê Đăng Tưởng bên một khung dệt the. Ảnh: Nguyễn Nga
Một thời vang bóng
Làng dệt the La Khê với những sản phẩm the được làm từ sợi tơ tằm tự nhiên 100%, có họa tiết tinh xảo, đủ các màu sắc, văn hoa, mẫu mã phong phú, bền đẹp. The La Khê là vật liệu dệt thủ công dùng may mặc rất mát, điều hòa thân nhiệt đã được duy trì và phát triển qua nhiều thế kỷ. The là sản phẩm từng được các bậc từ vua quan, quý tộc, thương nhân, đến thường dân rất ưa chuộng. Chả thế, trong dân gian đã có câu ca “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng - Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên” để nói lên sự nổi tiếng của những sản phẩm dệt may này. Không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước, hàng dệt the La Khê từng được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Sản phẩm the, lụa La Khê đã giành được nhiều giải thưởng uy tín, cúp, bằng khen… tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. Bằng sự sáng tạo, tài hoa, người thợ dệt La Khê đã chế tác ra hơn 20 mẫu hoa văn, dệt thành những tấm vải the hoa tuyệt đẹp. Trong số đó, có không ít mẫu với họa tiết cầu kỳ, cách điệu những hình tượng văn hóa dân gian như bộ Tứ linh “Long, ly, quy, phụng” hay bộ Tứ quý “Tùng, cúc, trúc, mai”,...
Bà Bạch Hồng Ân – Phó Chủ nhiệm HTX dệt the La Khê chia sẻ, sản phẩm dệt the La Khê, bền đẹp khác với các sản phẩm tơ tằm của các nơi khác là nhờ công nghệ dệt có bộ go võng. Nhờ thế, sợi dọc mỗi hàng được đan vặn xoắn lại, giúp mặt hàng thưa, thoáng, mát nhưng rất chặt, mặt the không bị xô rạn. Trải qua bao thăng trầm, the La Khê từng bị chìm vào quên lãng trong một khoảng thời gian dài. Người tiêu dùng dường như đã không còn nhớ đến sự có mặt của sản phẩm này trong gần nửa thế kỷ. Mãi đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước, cùng với quyết tâm khôi phục làng nghề của người dân La Khê, làng nghề dệt the đã được phục dựng lại và từng bước phát triển.
Bên bờ vực thất truyền
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, nghề dệt truyền thống với những sản phẩm quý, hiếm vừa nhen lên đã lại có nguy cơ chìm vào quên lãng. Nằm ngay cạnh cụm di tích Đình – Chùa – Bia Bà La Khê nổi tiếng, nhưng khác xa với không khí tấp nập bên ngoài, xưởng dệt của HTX dệt the La Khê nằm im lìm như chưa hề tồn tại. Người dân sống xung quanh cho biết, đã 3 năm nay, xưởng dệt và cửa hàng trưng bày sản phẩm của HTX đã ngừng hoạt động. Khu nhà xưởng đã bị phá dỡ để nhường đất làm sân vận động của phường La Khê. Những chiếc máy dệt the nhộn nhịp ngày nào giờ chỉ còn là đống gỗ ngổn ngang. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX dệt the giờ đã đóng cửa, sản phẩm the lụa trong cửa hàng đã được thanh lý.
Theo bà Bạch Hồng Ân, the lụa là mặt hàng rất kén người dùng. Giá thành nguyên liệu cao, lại dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên giá bán khi đưa ra thị trường khá cao. Do vậy, gần như mặt hàng the không cạnh tranh được với các mặt hàng dệt khác. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, xã viên không có việc làm… chính là nguyên nhân HTX ngừng hoạt động.
Hiện nay, cả làng dệt the La Khê chỉ còn duy nhất một người vẫn theo nghề là anh Lê Đăng Tưởng. Vốn là người tâm huyết với nghề, nên dù tiền công không được là bao nhưng để giữ nghề, hàng ngày anh vẫn cặm cụi bên khung dệt. Biết tay nghề của anh, nhiều công ty dệt may mời về cộng tác nhưng anh đều từ chối. Anh tâm sự, anh duy trì nghề chỉ với mong muốn một ngày nào đó dệt the có cơ hội được hồi sinh.
Theo anh Lê Đăng Tưởng, cái khó nhất của làng nghề hiện nay là không còn ai mặn mà với nghề nữa. Những người trước đây được truyền dạy nghề dệt the nay vì cuộc sống đã có công việc mới và không còn thiết tha với nghề. Những người này cũng nhiều lần được vận động quay lại HTX nhưng họ đều từ chối. “Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đăng thông báo tuyển thợ, nhưng đều không có hồi âm. Chỉ sợ rằng đến một lúc nào đó, phương thức dệt the sẽ ra đi cùng với lớp nghệ nhân cuối cùng của làng nghề” - anh Tưởng bộc bạch.
Vậy là một làng nghề có hàng trăm năm tuổi, nay, một lần nữa có nguy cơ thất truyền. Bảo tồn, phát triển làng nghề không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn là cách để lưu giữ những giá trị nhân văn truyền thống quý báu của dân tộc. Nếu không có những cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời cho làng nghề như La Khê, e rằng sẽ đến lúc những giá trị truyền thống này mai một dần!