Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi bơi cẩn trọng với bệnh truyền nhiễm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng kéo dài, người dân Hà Nội đổ xô đi bơi khiến nhiều bể luôn rơi vào tình trạng quá tải. Thậm chí, đến giờ cao điểm, nhiều người còn phải xếp hàng chờ đến lượt. Chất lượng nước ở bể bơi, vì thế càng suy giảm, dễ phát tán, lây lan các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp phòng ngừa.

Nhiều bể bơi quá tải

Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 50 bể bơi trong nhà và ngoài trời như bể bơi Bách Khoa, Mỹ Đình, Tăng Bạt Hổ, Cầu Giấy... nhưng nơi nào cũng gần như quá tải. Trung bình mỗi ngày, một bể bơi ở Hà Nội phục vụ khoảng 400 - 500 lượt khách, vào lúc cao điểm (sáng từ 5 - 6 giờ; chiều 17 - 18 giờ), các bể bơi thường quá tải. Thậm chí, vào dịp cuối tuần, lượng khách tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.

Cuối giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt, nhưng hàng chục người đã xếp hàng mua vé bơi tại bể bơi Bách Khoa. Anh Nguyễn Ngọc Ánh (ở Kim Ngưu, Hai Bà Trưng) cho biết: "Hôm trước đi muộn 15 phút, nhân viên bán vé nói là phải chờ lượt sau, nhưng như thế thì sẽ đến tận chiều muộn nên đành bỏ. Hôm nay, phải đi mua vé sớm vì nhiệt độ 39ºC như thế này, người khó chịu quá, ra ngâm mình xuống nước cho giảm nhiệt". Còn tại Cầu Giấy, do có bể bơi cho cả trẻ nhỏ nên ngay từ đầu giờ chiều, người dân đã đổ về đây rất đông. Bà Nguyễn Thị Hoa (ở ngõ 68 Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: "Ở nhà nóng quá, không chịu được, vì vậy, chiều nào, tôi cũng dẫn các cháu ra đây lội cho mát, tiện thể cho các cháu tập bơi luôn".
Nhu cầu đi bơi của người dân tăng cao trong mùa nắng nóng.
Nhu cầu đi bơi của người dân tăng cao trong mùa nắng nóng.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, những ngày nắng nóng, giá vé của nhiều bể bơi đồng loạt tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt bơi. Giá vé vào một số bể bơi bình dân tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa... từ 35.000 - 60.000 đồng/người lớn với bể ngoài trời; giá vé trẻ em từ 25.000 - 35.000 đồng. Bể trong nhà có giá cao hơn, từ 60.000 - 110.000 đồng/người. Giá vé vào bể bơi các khách sạn 4 - 5 sao khoảng 300.000 - 500.000 đồng/người.

Ngoài ra, các bể bơi còn đưa ra hình thức bán vé tháng và các lớp học bơi dành cho cả người lớn và trẻ em. Dịch vụ của các lớp học bơi này có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Do lượng khách đổ về quá đông nhiều bể bơi đã phải từ chối nhận học viên tập bơi.

Dễ mắc bệnh truyền nhiễm

Có một sự thật mà không mấy ai đi bơi để ý đến, đó là nước trong bể là một trong những nơi dễ bị ô nhiễm nhất. Những bể bơi ngoài trời lộ thiên thường xuyên tiếp xúc với môi trường, nhiễm khuẩn bụi bẩn, các loại vi trùng. Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn bao gồm cả các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt..., ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước trong bể và dễ trở thành ổ dịch.

Một số chuyên gia y tế nhận định, với số lượng người tham gia bơi quá lớn trong một bể, thể tích nước không đủ để làm sạch, cộng thêm hóa chất từ các loại mỹ phẩm, kem chống nắng... sử dụng khi đi bơi đã khiến vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi, nảy nở gây bệnh. Vì vậy những người hay đi bơi dễ mắc phải bệnh tiêu hóa, da liễu, phụ khoa, viêm tai, tiết niệu... Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo các bậc phụ huynh, hiện các dịch bệnh như sởi, tay - chân - miệng, thủy đậu... đang có diễn biến phức tạp, nên cần lưu ý phòng ngừa và giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để phát tán, lây lan dịch bệnh. 

Để đi bơi an toàn, cần trang bị một kiến thức nhất định: Thứ nhất, ngửi mùi, nếu thấy nước trong bể bơi có mùi Clo gây sốc đặc trưng, khiến cảm thấy khó chịu có nghĩa là nước trong bể không được xử lý tốt. Do đó, nên chọn bể có màu nước trong tự nhiên, màu xanh vừa phải nhìn thấy rõ đáy bể, không có vẩn đục hay vật thể lạ. Thứ hai, nếu bể có màu xanh bất thường, cần chú ý quan sát số lượng người đến bơi vì con người là tác nhân khiến bể bơi bị bẩn, lây bệnh truyền nhiễm. Thứ ba, nếu số lượng người bơi quá đông, hệ thống lọc nước tại bể sẽ không kịp lọc chất bẩn, người đi bơi dễ mắc bệnh tiêu hóa, da liễu, viêm tai...