Chuyển giao gọn gàng Bến xe Lương Yên đã chính thức đóng cửa vào 0 giờ sáng 27/7, chấm dứt 12 năm tồn tại, hoạt động “tạm bợ”. Đến thời điểm chuyển giao, bến Lương Yên có tất cả 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh, TP với tần suất 335 lượt xe/ngày, do 319 phương tiện của 52 đơn vị vận tải thực hiện cung ứng. Trước khi đóng cửa bến, các tuyến và phương tiện đã được tạo mọi điều kiện để di chuyển về hoạt động tại 3 bến xe: Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm. Ghi nhận tại các bến xe này trong ngày 27/7 cho thấy, 2/3 bến đã hoàn tất mọi thủ tục và tiếp nhận phương tiện, luồng tuyến khai thác từ Bến xe Lương Yên. Trong đó, Bến xe Yên Nghĩa đã tiếp nhận đủ 51 lượt xe/ngày, gồm các tuyến đi: Bắc Kạn, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai.
Giám đốc Bến xe Yên Nghĩa Hoàng Vĩnh Long cho biết, dù tiếp nhận thêm xe nhưng công tác vận tải tại bến vẫn diễn ra bình thường, tình hình an ninh trật tự, ATGT đảm bảo tốt. Ông Long cũng nhận định: “Tuy nhiên, thời gian đầu, khách chưa quen xe, quen lộ trình nên lượng hành khách chắc chắn không thể bằng khi ở bến Lương Yên. Chúng tôi tin rằng với thương hiệu, chất lượng phục vụ của các nhà xe đã được xây dựng và khẳng định nhiều năm qua, lượng hành khách sẽ trở lại ổn định trong thời gian tới”. Tương tự, Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cũng cho biết, từ ngày 22/7, Bến xe Gia Lâm đã có kế hoạch cụ thể về việc tiếp nhận, sắp xếp ổn định hoạt động kinh doanh VTHK cho các phương tiện từ bến Lương Yên về. Đồng thời, Bến cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng quận Long Biên thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa các đối tượng bảo kê, trộm cắp theo chân loạt phương tiện mới vào Bến. “Mọi DN vận tải đến với bến Gia Lâm đều được đối xử công bằng, tạo điều kiện như nhau. Tin rằng hoạt động kinh doanh, VTHK của các DN từ Lương Yên về sẽ ổn định ngay lập tức” - ông Trúc khẳng định. Vẫn còn băn khoăn Khác với 2 Bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, tính đến chiều ngày 27/7, vẫn còn 10 DN với 13 lượt xe/ngày chưa về Bến xe Nước Ngầm, cũng chưa ký hợp đồng. Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập nhận định: “Các DN này đều ở xa, có thể họ chưa kịp điều chỉnh luồng, nốt nên chưa đưa xe về bến. Hiện cũng có 4 DN đã đưa xe về hoạt động nhưng chưa ký hợp đồng, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để xe quen bến, khách quen lộ trình”. Một số ý kiến cho rằng, DN chưa đưa xe về bến bởi lo lắng sẽ mất khách khi thay đổi đầu bến, lộ trình hoặc đang tìm cách xin về bến khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long khẳng định, Sở đang đôn đốc khẩn trương đưa xe về bến theo quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt và nhanh chóng hoàn tất việc ký hợp đồng khai thác. “Sở quyết không để tình trạng DN lấy cớ chờ xin điều chỉnh lộ trình để bỏ bến ra chạy “dù” bên ngoài” - ông Long nhấn mạnh. Theo Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập, việc các DN còn chần chừ chưa đưa xe về bến mới cũng có phần nguyên nhân khách quan, xuất phát từ điều kiện thực tế. Ví dụ như việc Bến xe Nước Ngầm mới chỉ có 3 tuyến xe buýt kết nối là một trở ngại lớn đối với hành khách và DN vận tải. Ông Lập đề xuất: “Để có thể thu hút hành khách, nhanh chóng ổn định kinh doanh cho các DN, TP nên quan tâm, tăng cường mạng lưới xe buýt kết nối Bến xe Nước Ngầm với các khu vực nội thành và các bến xe khác. Hoặc trước mắt, khi chưa có thêm tuyến buýt mới, có thể kéo dài một số tuyến buýt từ Bến xe Giáp Bát xuống Bến xe Nước Ngầm”.
Do không nắm được thông tin, sáng qua 27/7, nhiều hành khách vẫn đến Bến xe Lương Yên đón xe. |