Di dời Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài: Loay hoay xử lý

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài sai phạm nghiêm trọng ở vị trí đặt trạm. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan vẫn loay hoay không tìm ra phương hướng xử lý.

BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt sai vị trí hoàn toàn.
BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt sai vị trí hoàn toàn.

Giữ nguyên vị trí, tăng thời gian thu phí

Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tuyến đường do Công ty CP BOT Vietracimex 8 đầu tư với tổng số vốn 531 tỷ đồng. Dự án chính thức thu phí từ năm 2009, dự kiến dừng thu phí vào năm 2025. Trong đó, dự án cũng dự kiến được tăng phí từ mức 10.000 đồng/lượt lên 15.000 đồng/lượt từ năm 2012.

Năm 2012, Bộ GTVT đã có chủ trương di dời vị trí trạm thu phí này nhưng Chính phủ yêu cầu giữ nguyên, vì thế có đầy đủ tính pháp lý cho việc đặt vị trí trạm thu phí này như hiện nay.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã kiến nghị Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư di dời vị trí đặt trạm thu phí về tuyến tránh Vĩnh Yên. Cách đây 3 năm đã dừng thu phí Quốc lộ 2 (xóa 2 trạm thu phí). Khi đó, Quốc lộ 2 (QL2) chỉ có 1 trạm thu phí. Cùng với việc di dời trạm về đúng vị trí, đề xuất tăng phí cho nhà đầu tư lên 20.000 - 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng hiện nay. Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian thu phí của dự án. Phương án này phải đàm phán với nhà đầu tư chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính.

Tuy nhiên, do di chuyển được vị trí đặt trạm nên Bộ GTVT không cho phép tăng phí, vi phạm hợp đồng. Trớ trêu thay, điều này vô tình lại khiến trạm thu phí đầy tai tiếng này lại có điều kiện để kéo dài thời gian thu phí đến hết năm 2035.

Lý giải cho điều này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ khi có cầu Nhật Tân, doanh thu dự án chỉ đạt gần 40% so với phương án tài chính. Theo điều khoản phụ lục hợp đồng, nếu 2 năm liên tục doanh thu giảm trên dưới 10% buộc phải ký phụ lục hợp đồng tính lại thời gian thu phí; trong khi đó, dự án này doanh thu giảm đến 60%. Đây là lý do dự án tăng thời gian thu phí từ 16 năm lên 20 năm.

Hàng chục năm qua, biết bao người dân phải trả tiền khi qua trạm thu phí đặt sai vị trí .
Hàng chục năm qua, biết bao người dân phải trả tiền khi qua trạm thu phí đặt sai vị trí .

Do lịch sử để lại?

Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án BOT trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó nổi bật là Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. Trong văn bản trên, Cục Đường bộ Việt Nam đã làm rõ nhiều thông tin liên quan đến “lịch sử” của trạm BOT tai tiếng này.

Về lịch sử hình thành, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài có trước khi án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai. Khi đó, Cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị quản lý và thu phí từ trạm thu phí này để nộp ngân sách Nhà nước.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với nguồn vốn đầu tư từ thu phí trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Trên cơ sở chấp thuận doanh nghiệp BOT thực hiện dự án, Cục Đường bộ Việt Nam cùng nhà đầu tư là Công ty CP Vietracimex 8 ký kết hợp đồng BOT để triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Công ty CP Vietracimex 8.

Năm 2012, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với những trạm khác (trừ trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT). Do đó, những trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT được tiếp tục thu phí.

Năm 2013, trên cơ sở ý kiến của cử tri và UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xử lý bất cập tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo Hợp đồng BOT đã được ký kết với nhà đầu tư. Vì vậy, Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tiếp tục được hoạt động đến nay.

Sự hình thành của cầu Nhật Tân cùng tuyến Nhật Tân - Nội Bài được lấy ra làm lý do để giữ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tại vị.
Sự hình thành của cầu Nhật Tân cùng tuyến Nhật Tân - Nội Bài được lấy ra làm lý do để giữ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tại vị.

Thừa nhận sai vị trí nhưng vẫn kiến nghị giữ lại

Trong suốt hàng chục năm qua, các cấp chính quyền và người dân Hà Nội đã rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng di chuyển Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài về vị trí đúng quy định, là tuyến tránh TP Vĩnh Yên. Có điều, hết lần này đến lần khác, trạm thu phí này vẫn không hề nhúc nhích khiến bức xúc trong dư luận và người dân ngày càng lớn.

Mới đây nhất, trong một động thái được cho là rà soát hiện trạng để phục vụ cho việc thực hiện phương án di dời Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vào trong phạm vi của dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Cục Đường bộ Việt Nam đã cùng Sở GTVT Vĩnh Phúc, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra hiện trạng tuyến đường thuộc dự án.

Bất ngờ ở chỗ, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, phương án di chuyển trạm về phạm vi dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là không khả thi. Bởi, theo lý giải của cơ quan này, qua kiểm tra cho thấy, trên khu vực tuyến đi qua hiện có 10 nút giao thông kết nối với hệ thống đường giao thông trong khu vực, phương tiện sẽ cơ bản lựa chọn tuyến đường không đi qua trạm thu phí nếu đặt trên tuyến để tránh trả phí.

Điều này đồng nghĩa với việc phương án di chuyển Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài về vị trí đúng quy định không nhận được sự ủng hộ của Cục Đường bộ Việt Nam dù trước đó chính cơ quan này đã đưa ra phương án trên trong bộ 3 giải pháp giải quyết vướng mắc tại trạm thu phí đầy tai tiếng này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đặt sai vị trí hoàn toàn là câu chuyện cả nước đều biết và nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong hàng chục năm qua. Trong khi nhiều trạm thu phí khác, trong đó điển hình là BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí để giải quyết những bất cập, vướng mắc, thì Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài lại gần như không bị động chạm gì, đây là điều rất khó hiểu.

Trong hàng chục năm qua, đã có biết bao người dân phải trả tiền qua trạm này một cách vô lý mà vẫn phải cố chịu đựng. Họ đã có ý kiến, nhiều cấp chính quyền TP Hà Nội đã lên tiếng, nhiều cơ quan truyền thông, giới chuyên gia cũng lên tiếng phản đối sự có mặt của trạm thu phí này, song kết quả đến nay vẫn không có gì chuyển biến.

Còn nhớ, năm 2019, trả lời báo chí về những trạm thu phí đặt sai vị trí, ông Nguyễn Nhật, khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, có 17/88 trạm thu phí BOT đường bộ bất cập về vị trí cần xử lý. Trong số này, có 3 trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, gồm: Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa – hiện đã dừng thu); Trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh); Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài. “Thực tế, 3 trạm thu phí ngoài dự án trước đây còn tồn tại là do yếu tố lịch sử để lại” – ông Nguyễn Nhật nói.

Riêng về Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, ông Nguyễn Nhật khẳng định, từ năm 2014, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng dời trạm về đúng tuyến đường tránh. Sau đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục thu phí tại trạm này đúng hợp đồng ký với nhà đầu tư. Mặt khác, hiện tại, người dân đã có lựa chọn đi đường Nhật Tân – Nội Bài. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm thu phí này.

 

“Dự án rút ngắn tới trên 20 năm thu phí chứng tỏ khâu thẩm định, phê duyệt dự án của cơ quan Nhà nước có vấn đề. Đây cũng là thực trang chung của rất nhiều các dự án BOT được thực hiện trong thời gian trước đó. Trách nhiệm một phần do lỗ hổng về quy định pháp luật về đầu tư BOT chưa chặt chẽ, ngoài ra còn có trách nhiệm của khâu thẩm định, phê duyệt và giám sát dự án là một trong những yếu tố rất quan trọng. Vì thế, sau khi vận hành khai thác, cần phải hậu kiểm, kiểm toán minh bạch là hết sức cần thiết. Từ đó tạo niềm tin cho người dân đồng thuận, ủng hộ các dự án BOT”. – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, KS Phạm Thế Minh