Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di dời trụ sở bộ, ngành: Không thể chậm trễ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan T.Ư lại tiếp tục được làm "nóng” các diễn đàn, khi tại nghị trường Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đang có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về sự chậm trễ bàn giao lại trụ sở cũ cho TP Hà Nội.

Chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Thế nhưng, đến nay trong số 9 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới thì chỉ có 1 Bộ là bàn giao lại trụ sở cũ. Các cơ quan còn lại vẫn “ôm” khư khư trụ sở nằm trên khu vực được xem là “đất vàng” của Thủ đô và tìm mọi lý do để ở lại.
Điều đáng nói, ngoài những cơ quan có đặc thù riêng liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, thì những cơ quan khác lại đang muốn “đấu tranh” cho lợi ích của mình. Nguyên nhân cũng chỉ vì lý do không phải cơ quan nào cũng được bố trí nguồn ngân sách để xây dựng trụ sở mới, dẫn tới việc các cơ quan đang chờ cơ chế xử lý phần đất trụ sở cũ như thế nào hay họ có được quyền bán toàn bộ phần đất trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới hay không?
Và khi cơ chế chưa rõ ràng, thì mục tiêu vẫn là “bám trụ” ở lại. Có lẽ cũng bởi thế, trách nhiệm của sự chậm chễ cũng chỉ được gọi tên chung chung, không nêu đích danh cá nhân ai, mặc dù Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Luật cán bộ, công chức 2008 đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, trong đó nhấn mạnh “đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Như vậy, cơ chế đã được cụ thể hóa, hẳn sẽ không còn cơ quan nào vin vào lý do cơ chế chưa rõ ràng. Mong rằng những người đứng đầu các cơ quan trong diện di dời, sẽ thực hiện một cách nghiêm túc những chỉ đạo từ Chính phủ, để công tác di dời được “thuận buồm xuôi gió”, góp phần xây dựng Thủ đô của Việt Nam xứng tầm trong khu vực và quốc tế.