Di dời trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ô nhiễm: Ì ạch vì nhiều vướng mắc

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di dời hệ thống trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất ô nhiễm nhằm giãn bớt dân số, giảm thiểu áp lực lên hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm là một trong những mục tiêu quan trọng của 6 đồ án quy hoạch phân khu tại 4 quận lõi nội đô mới được TP Hà Nội phê duyệt. Để biến mục tiêu thành hiện thực, ngoài trách nhiệm của Hà Nội rất cần sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành T.Ư.

 Khu đất của Công ty Thuốc lá Thăng Long vẫn giữ nguyên dù đã không còn sản xuất. Ảnh: Thanh Hải
Người dân mong mỏi

Với những mặt trái của quá trình đô thị hóa, khu vực trung tâm Hà Nội đã tồn tại không ít những bất cập. Cụ thể, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, các công trình công cộng, không gian xanh, hệ thống trường học… thiếu so với quy chuẩn hiện hành. Với 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị vừa được UBND TP Hà Nội công bố, người dân Thủ đô đang chờ đợi những kế hoạch, biện pháp thực hiện hiệu quả từ chính quyền để đưa quy hoạch vào cuộc sống. Nhất là việc di dời hệ thống trường đại học, bệnh viện và những cơ sở sản xuất ô nhiễm từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để từng bước giãn dân khỏi khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, dành đất cho không gian công cộng. Bà Võ Thị Huệ, tổ dân phố 18, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Đây là một chủ trương rất đúng. Tôi cũng như rất nhiều người dân mong đợi chủ trương này được hiện thực hóa”.

Việc những nhà máy sản xuất công nghiệp nằm lẫn trong khu dân cư đông đúc tại các quận trung tâm là hoàn toàn không còn phù hợp, cần phải nhanh chóng có giải pháp để đưa ra khỏi nội đô. Như tại phường Vĩnh Tuy hiện nay, Công tý TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân vẫn duy trì một bộ phận công nhân sản xuất nên nhiều hộ dân sống ở các nhà cao tầng xung quanh bị ảnh hưởng bởi khói bụi. Dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa di dời hết, trong khi đó, DN đã xây dựng nhà máy mới ở Hưng Yên và đi vào hoạt động ổn định.

Ông Vũ Ngọc Quý, phố Đông Tác, phường Kim Liên (quận Đống Đa) nêu quan điểm, hiện nay với 4 quận nội đô dân số rất đông nên để giảm áp lực giao thông thì việc chuyển các trường đại học ra ven đô là chủ trương cần kiên quyết thực hiện. Ngoài ra, một số bệnh viện được chuyển ra khỏi nội đô thì việc phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội sẽ tốt hơn...

Có thể thấy, đa phần người dân khu trung tâm Hà Nội đều mong mỏi kỳ vọng diện mạo, không gian đô thị được cải thiện từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, cử tri Hà Nội đề nghị tiếp tục di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Thế nhưng, đến nay trong số 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, chỉ có 1 bộ bàn giao lại trụ sở cũ. Đối với các trường đại học, cao đẳng, hiện 4 quận lõi trung tâm có 26 trường nhưng đến nay mới chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng tại quận Ba Đình thực hiện di dời.

Còn đối với cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, đến nay việc di dời cũng gần như giậm chân tại chỗ. Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, do TP vừa ban hành 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô nên sở đang phải rà soát để điều chỉnh các cơ sở phải di dời, sắp tới sẽ cập nhật và báo cáo TP.

Trong công văn trả lời cử tri TP Hà Nội, Bộ Xây dựng thừa nhận, công tác di dời là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến thực hiện còn chậm. Theo lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời. Bên cạnh đó, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...

Về tình hình triển khai công tác di dời, Bộ Xây dựng thông tin, đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời; xây dựng danh mục công trình cần di dời, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành, xác định lộ trình và tổ chức thực hiện. Đối với công tác di dời cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, thực hiện quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ Y tế đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 18/5/2020; Bộ GD&ĐT đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/2/2021, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy hoạch được duyệt.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là di dời các trụ sở bộ, ngành, trường đại học. Khi đó sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang rất thiếu, đồng thời kéo theo khoảng 100.000 người di chuyển ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đơn giản, ngoài trách nhiệm của Hà Nội, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao thì mới sớm đạt được kết quả.
Một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai. Vì theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất có toàn quyền sử dụng, khai thác. Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sỡ cũ vì còn trong thời hạn giao đất. Do đó, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù để có thể sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời. Khi đó, các phân khu đô thị nội đô theo quy hoạch mới có thêm những yếu tố thuận lợi để giải quyết những vấn đề như giãn dân, bổ sung đất cho phát triển hạ tầng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần