So với cách tuyên truyền khô cằn trong sách vở hay áp phích trên các tuyến phố, thế hệ trẻ đã sáng tạo cho mình một ngôn ngữ giao thông rất riêng, độc đáo và dễ đi vào lòng người.
Khi 9X “học mà chơi”
Những tình huống dở khóc dở cười mà giới trẻ vẫn vô tư làm khi cầm lái như bấm còi inh ỏi, phóng nhanh khi đèn vàng, kẹp ba… luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường. Không hẳn là thế hệ 9X, không ý thức được những vi phạm của mình khi lưu thông, mà căn nguyên ở chỗ, họ đang cố tình đi ngược lại những lời dạy dỗ cứng nhắc của người lớn. Đọc vị được tâm tư giới trẻ, tác giả Nguyễn Thành Phong – hoạ sĩ 8X đã mở lối tuyên truyền giao thông theo một cách rất dí dỏm, hài hước qua những bức tranh biếm họa của mình.
Bộ truyện tranh “Nghĩ trước khi bấm còi” vì thế nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng Facebook ở hình ảnh và câu chữ dễ gieo vào lòng người.. Hiệu ứng rõ ràng nhất là sự trưởng thành hơn trong ý thức của thế hệ trẻ về thực trạng giao thông Hà Nội qua lăng kính hài hước. “Trước cứ “cãi chày, cãi cối” bố mẹ chỉ vì cái mũ bảo hiểm. Giờ chiêm nghiệm ra đội mũ bảo hiểm mới là “chất” nên lẳng lặng mua sticker dán lên mũ đội cho ngầu” - Nguyễn Minh Khôi, một tín đồ mạng xã hội chia sẻ.
Theo GS Hoàng Chương, giới trẻ không tiếp nhận ngôn ngữ theo cách giống như người lớn là lí giải nó rồi lưu vào bộ não. Các em tiếp thu một cách tự nhiên như là thuộc lòng vào trong ý thức tiềm tại. Một khi các em tự nguyện “thấm” thì nhận thức, hành vi mới thay đổi được. Do đó, cách tuyên truyền, giáo dục giao thông quá cứng nhắc sẽ tạo hiệu ứng ngược. Lăng kính biếm hoạ hay khẩu hiệu, truyện tranh gây cười về giao thông mà thế hệ 8X, 9X đang sáng tạo là thiết thực, hấp dẫn. Một khi ý thức in sâu vào não, các em sẽ tự giác chấp hành luật giao thông.
Tìm hướng nâng cao ý thức
Các chuyên gia về văn hóa giao thông đều đồng tình rằng, thay vì bắt giới trẻ tuân theo những nguyên tắc khô cứng, vấn đề quan trọng hơn là tìm hướng nâng cao ý thức cho các em. Viện dẫn các cuộc vận động về ATGT rất mạnh mẽ của các nước phát triển như Australia, Mỹ, Canada… giới chuyên môn nhận định, mức độ hiệu quả cao hơn hẳn so với các tuyên truyền nặng về hình thức ở Việt Nam. Những mẩu quảng cáo gây cười, truyện tranh tếu táo, thậm chí gây sốc về giao thông là nhắm thẳng vào từng cá nhân, kêu gọi trách nhiệm của họ trong việc tuân thủ luật lệ giao thông một cách dễ chịu nhất.
Nhiều người trẻ ở Hà Nội đang “mốt” mặc áo thun có những câu nhắc nhở người tham gia giao thông như “Vượt đèn đỏ, có ngày… dập mỏ!”, “Đội mũ bảo hiểm. Ghi điểm với... nàng”, “Nam thanh, nữ tú. Đừng “đú” chở ba”... Thay vì những áp phích mang tính cố định, mỗi 9X, 10X đã tự tuyên truyền giao thông theo cách di động “bá đạo” của những khẩu ngữ in trên áo. “Những vấn đề nghiêm túc như giao thông nếu được tuyên truyền hài hước rõ ràng kích thích sự hào hứng của giới trẻ” – Trần Nhật Nam , sinh viên Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn đề xuất.
Như vậy, chúng ta cần tổ chức nhiều cuộc thi đặt slogan, vẽ tranh biếm họa về ATGT, tạo sân chơi cho những bạn trẻ có óc sáng tạo, đam mê nghệ thuật. Như thế, tính tuyên truyền về ATGT sẽ sâu rộng hơn.
Hình thức thể hiện là truyện tranh, khẩu hiệu truyền thông có yếu tố hài hước… dễ thu hút sự quan tâm của giới trẻ với mảng đề tài khô khan như giao thông. Tôi nghĩ đó một cách tiếp cận thông minh mà bản thân giới trẻ tự nghĩ, tự sáng tạo và tự thích ứng với nhu cầu của chính họ. Không phải ngẫu nhiên mà hình thức này thu hút hơn hàng trăm nghìn lượt xem sau mỗi ngày trên mạng xã hội. NSƯT Chí Trung |