Những cảm xúc về những ngày lăn lộn cùng người dân phố Phủ Doãn khi phong tỏa sau 18 ngày cách ly y tế tại Bệnh viện Việt Đức để phòng, chống dịch Covid-19 lại ùa về.
Chạy đua với thời gian
Chủ tịch Đặng Minh Tuấn nhớ lại trước đó, ngày 30/9/2021, tại Khoa Ung bướu tầng 8 nhà D của Bệnh viện Việt Đức, qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện một người nhà bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Lập tức, quận Hoàn Kiếm đã phong tỏa Bệnh viện Việt Đức, tạm thời cách ly y tế toàn bộ tòa nhà D, kích hoạt phương án phòng chống dịch khẩn cấp, xét nghiệm toàn bộ người có mặt trong bệnh viện. Bệnh viện tạm dừng hoạt động khám bệnh bình thường, chỉ tiếp nhận người bệnh cấp cứu, mổ cấp cứu, và chạy thận chu kỳ cho một số người bệnh suy thận.
Như vậy vừa hết phong tỏa 9 ngày, người dân Phủ Doãn lại bước vào đợt phong tỏa bất đắc dĩ. Lúc đó, Bí thư Đảng ủy phường Trịnh Ngọc Trâm và Chủ tịch Đặng Minh Tuấn đã phải nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng y tế, công an, quân sự, dân phòng khoanh 8 cổng ra vào từ Bệnh viện Việt Đức thông ra Phủ Doãn, nơi có 118 hộ dân với 419 nhân khẩu làm nghề kinh doanh dịch vụ cho hàng nghìn bệnh nhân, người nhà đi theo chăm sóc.
Là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, một trong những trung tâm phẫu thuật lớn của cả nước Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.500 giường bệnh với hơn 2.200 thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế mỗi ngày thường xuyên có 5 đến 6.000 người qua lại. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Trống xác định chỉ cần làm chậm, lập chốt không kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường.
Điều may mắn nhất là trong đợt tiêm chủng vaccine, UBND phường Hàng Trống đã xác định dân cư khu vực xung quanh Bệnh viện Việt Đức có nguy cơ lây nhiễm cao, cần phải ưu tiên tiêm trước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân phường Hàng Trống vui vẻ nhường các hộ người dân tổ dân phố số 4 và 5 được tiêm trước. Ngay cả những người ngồi bán nước vỉa hè ở Phủ Doãn cũng được lập danh sách tiêm chủng và điều này khiến cho khi phường lập các chốt kiểm soát thì người dân trong chốt đều đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Trong 3 ngày (từ 5 - 8/10) quận, phường và bệnh viện đã vất vả bố trí người, phương tiện giãn bớt mật độ trong khu vực điều trị để tránh lây nhiễm. Địa phương đã chuyển 881 người bệnh và 802 người nhà bệnh nhân đến 6 bệnh viện gồm BV điều trị người bệnh Covid-19 Y Hà Nội, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Hà Đông, Thanh Nhàn, E và Nhi Trung ương để cách ly, theo dõi điều trị. Lúc này trong bệnh viện còn 334 người bệnh, 242 người nhà, 38 người đến khám bệnh, 1.045 nhân viên bệnh viện, 425 đối tượng khác (bác sĩ nội trú, học viên, nhân viên vệ sinh, kỹ thuật hãng...), tổng cộng 2.084 người. Không nhanh chóng khoanh vùng, truy vết là ổ dịch sẽ lây lan khắp Hà Nội và các tỉnh thành khác.
18 ngày đáng nhớ
Hai ngày đầu tiên, phường Hàng Trống đã phải xét nghiệm diện rộng 1.041 người dân xung quanh bệnh viện để truy vết. Nếu như lo điều trị 34 trường hợp F0 là những người lây nhiễm trong khuôn viên bệnh viện là việc của cơ sở y tế trực thuộc bộ thì chính quyền địa phương, muốn cách ly tốt phải hỗ trợ điều kiện ăn ở cho những người trong chốt. Đầu tiên là tại các chốt phải bố trí khâu tiếp nhận quần áo, đồ dùng thiết yếu cho hơn 1.500 nhân viên y tế, các đối tượng làm việc trong bệnh viện. Đang đi làm bình thường, nay bị cách ly, ngoài bộ quần áo mặc trên mình, họ chỉ có 2 bàn tay trắng.
Trong bối cảnh đó, bác Hồ Mai Lâm, Bí thư Tổ dân phố số 5 đã vận động người dân trong khu vực thành lập Tổ Covid-19 gồm 100 tình nguyện viên để lo việc ăn uống cho 1.082 người, kể cả anh em công an, dân phòng 9 tổ chốt xung quanh bệnh viện. Mỗi tổ có khoảng 30 người, hàng ngày tiếp nhận nhu cầu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế. Khó nhất là đối với bệnh nhân chạy thận, phải nấu cơm riêng theo y lệnh của bác sĩ.
Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn chia sẻ: “Phải có mặt ở hiện trường mới thấy phát sinh nhiều việc không tên, phải quyết ngay tại hiện trường. Ngay sáng đầu tiên lập chốt (31/9), tôi phải lệnh “bật chốt” để đưa 1 phụ nữ vào Phụ sản C đi đẻ. Rồi người nhà bệnh nhân nhắn tin hết nhờ mua sữa, rồi lại mua trứng, chai nước tinh khiết… anh em tất bật từ sáng đến khuya”.
Cách ly 18 ngày, không chỉ cuộc sống bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xáo trộn, người dân Phủ Doãn cũng lâm vào cảnh hết gas, hết gạo, hết thức ăn. Nhưng với tinh thần lo cho dân chính là biện pháp tích cực để người dân yên tâm cách ly, chính quyền và người dân Hàng Trống đã đồng hành cùng Bệnh viện Việt - Đức đi qua những tháng ngày khó khăn nhất năm 2021.