Một trong những loại tài sản phổ biến mà chúng ta thường thấy được dùng vào việc thờ cúng đó là đất hương hỏa, kèm theo các loại tài sản là bất động sản có giá trị như nhà ở sau dùng làm nhà thờ hoặc vườn cây lâu năm, các loại tài sản là động sản khác ít khi được chỉ định dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, cách quy định trên cũng chưa chỉ rõ di sản dùng vào việc thờ cúng có thuộc sở hữu chung hoặc sử dụng chung của những chủ thể nào hay không?
Tại lần sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) lần này, chúng ta có thể thấy, quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 670 của BLDS năm 2005 được sửa đổi rất ít. Điều 671 của dự thảo BLDS sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) ngoài việc sửa đổi một số từ ngữ chỉ bổ sung thêm quy định: “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, trừ trường hợp trong di chúc của người để lại di sản có quy định khác”. Việc bổ sung cụm từ “trừ trường hợp trong di chúc của người để lại di sản có quy định khác” đã mở rộng thêm quyền của người để lại di sản. Quy định này cũng có thể hiểu là, nhà làm luật cho phép người để lại di sản dự liệu lựa chọn những người không thuộc diện thừa kế theo pháp luật để quản lý di sản.
Như vậy có thể thấy, sửa đổi, bổ sung nêu trên của Dự thảo vẫn chưa khắc phục được bất cập lớn trong quy định của BLDS năm 2005 về di sản dùng vào việc thờ cúng. Đồng thời, những quy định kế thừa BLDS năm 2005 về di sản dùng vào việc thờ cúng vẫn tồn đọng nhiều hạn chế qua phân tích sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 670 của BLDS năm 2005 cũng như khoản 1 Điều 671 của Dự thảo thì “Trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”. Quy định này đã chỉ rõ, di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế và được giao quản lý để thực hiện mục đích thờ cúng. Điều đó có nghĩa là di sản dùng và việc thờ cúng sẽ không thuộc sở hữu riêng hoặc sử dụng riêng của bất kỳ người nào. Tuy nhiên, cách quy định trên cũng chưa chỉ rõ di sản dùng vào việc thờ cúng có thuộc sở hữu chung hoặc sử dụng chung của những chủ thể nào hay không?
Vì vậy, quy định nêu trên của Dự thảo không thể giải quyết được bất cập trong các tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng là các bất động sản như quyền sử dụng đất hiện nay. Như chúng ta biết, pháp luật đất đai chỉ có quy định về cộng đồng dân cư có quyền sử dụng chung đất nhà thờ họ (Điều 5 Luật Đất đai năm 2013) mà không có quy định nào điều chỉnh việc người sử dụng đất để lại quyền sử dụng đất của mình để làm di sản thờ cúng (đất hương hỏa). Điều này được hiểu rằng, khi một người được thừa kế đất hương hỏa và sau khi được đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì người đó sẽ trở thành người sử dụng đất và có toàn quyền định đoạt đối với thửa đất đó (có thể chuyển quyền cho người khác). Việc này hoàn toàn trái với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta cũng như tâm nguyện của người chết là đất hương hỏa chỉ được dùng vào việc thờ cúng, không được phép mua bán, chuyển nhượng và nó cũng trái với tinh thần tại khoản 1 Điều 671 của Dự thảo.
Do đó, để khắc phục sự thiếu vắng các quy định của pháp luật đất đai và BLDS điều chỉnh di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất, chúng tôi đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 671 của Dự thảo: “Đối với di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thì thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng gồm người đã được chỉ định trong di chúc quản lý di sản để dùng vào việc thờ cúng và những người thừa kế. Việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo chế độ tài sản thuộc sở hữu chung”.
Các luật sư, trợ giúp viên tư vấn pháp luật cho người dân tại Hà Nội.
|