Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 1
Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 2
Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 3

Những năm qua, việc kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa đối với các lễ hội, tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, di sản về tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Việc được công nhận là di sản văn hóa sẽ mở đường cho các di sản được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tránh nguy cơ bị mai một.

Video: Nét đẹp của những làn điệu ca trù, hát Dô làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 4

Đầu năm 2024, chính quyền và người dân huyện Quốc Oai vô cùng hân hoan khi được đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn hát Dô, xã Liệp Tuyết. Trong không khí mùa Xuân tràn đầy sức sống tươi mới, lòng người chộn rộn mừng vui, những điệu hát Dô với nhịp phách đắm say càng trở nên đặc biệt hơn.

Di sản hát Dô là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, không chỉ mang bản sắc văn hóa mà còn lưu giữ được nhiều giá trị đạo đức và thẩm mỹ của dân tộc. Hát Dô mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Lời hát Dô thể hiện sự tôn kính của Nhân dân đối với vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam; phản ánh nhận thức của người dân về thiên nhiên và ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu... Điều đặc biệt, đó là thông qua nghệ thuật hát Dô, cả nghệ nhân trình diễn, người xem thêm gắn bó hơn, đoàn kết hơn, thể hiện tình làng nghĩa xóm.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 5

Đã từng có một khoảng thời gian dài, ít ai biết đến điệu hát Dô truyền thống, nhưng với tâm huyết của người con quê hương và tình yêu sâu nặng với di sản văn hóa của cha ông, cùng sự ủng hộ của chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Lan (nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết) đã dần khôi phục được làn điệu hát Dô. Bà dày công sưu tầm những điệu hát Dô cổ, ngày thì bận rộn với công việc đoàn thể, bộn bề đồng áng, đêm về lại văng vẳng tiếng hát Dô bên tai. Có được 36 bài hát Dô cổ, bà Lan lại đi khắp xóm vận động thành lập Câu lạc bộ hát Dô, đây là việc làm không đơn giản, bởi không chỉ là hoạt động văn nghệ đơn thuần mà quan trọng là thay đổi quan niệm, cách nghĩ của người dân.

Cùng với hát Dô Liệp Tuyết, năm 2024, Lễ hội chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) cũng đón nhận Bằng di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội chùa Thầy được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch luôn là niềm tự hào của người dân Quốc Oai, với nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo, đặc sắc được thực hành như: Lễ tế khai hội, lễ mộc dục, lễ phục nghinh bài vị, lễ cúng yên vị khai hội và rước lễ của các thôn lên chùa Cả… Đây là lễ hội mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng có sự kết hợp với những nét di sản văn hóa độc đáo, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tứ phương về trẩy hội.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 6

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng khẳng định, việc hát Dô và Lễ hội truyền thống chùa Thầy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là niềm vui của Nhân dân xã Liệp Tuyết, Sài Sơn mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của người dân Quốc Oai. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Trong đó hỗ trợ đối với các nghệ nhân, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ và phát huy di sản, làm tăng thêm giá trị cho lễ hội, quảng bá rộng hơn tới du khách…

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 7

Cũng trong niềm phấn khởi hân hoan đầu năm mới, tháng 2/2024 người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội không thể vui mừng hơn khi Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 8

Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ rất lâu đời, là một lễ hội độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước cũng như gửi gắm biết bao ước vọng của người nông dân thuần phác. Theo thông lệ, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm. Trải qua một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, với sự chung tay của các nghệ nhân diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Phạm Văn Mai… lễ hội diều nghìn năm của mảnh đất Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì cho đến nay. Đây cũng là một trong những lễ hội hiếm hoi của Việt Nam gắn với truyền thuyết thờ thần Châu Thổ.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 9

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui đối với chính quyền và Nhân dân địa phương. Xã sẽ tiếp tục duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân; vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 10

Nghệ thuật hát Dô xã Liệp Tuyết, Lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng)… được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là cả một hành trình bền bỉ, miệt mài vun đắp, gìn giữ, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận của các nghệ nhân, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa. Thêm một di sản được ghi danh sẽ bồi đắp thêm sự phong phú, đa dạng, đặc sắc cho nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 11

Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hóa”.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 12

Thấm nhuần tinh thần đó, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di tích và tổng kiểm kê, phân loại bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Như ở thời điểm đầu năm 2021 khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, toàn TP kiểm kê được 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia… Chương trình số 06-CTr/TU cũng đặt ra mục tiêu của cả giai đoạn, số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 15.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 13

Theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, việc kiểm kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội (lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, di sản về tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, di sản về ngữ văn dân gian) có ý nghĩa góp phần “bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở cấp quốc gia”.

Đáng chú ý, Hà Nội đã sở hữu nhiều danh hiệu di sản do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (di sản văn hóa thế giới); 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (di sản tư liệu thế giới); Hội Gióng (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Nghi lễ và trò chơi kéo co (di sản văn hóa phi vật thể thế giới); Tín ngưỡng thờ Mẫu (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Ca trù (di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp)…

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 14

Ngoài ra, theo số liệu thống kê, Hà Nội có 1.206 lễ hội, trong đó nhiều lễ hội truyền thống mang dấu ấn văn hiến ngàn năm của Thủ đô, thể hiện rõ nét tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt và của người Thăng Long xưa. Trong những lễ hội lớn ở Hà Nội phải kể đến như: hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội Phù Đổng, hội chùa Thầy, hội đền Hai Bà Trưng, hội làng Lệ Mật…

Có thể nói, tổng thể di sản Kinh đô Thăng Long có giá trị vô cùng to lớn. Như GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng đánh giá: “Tầng tầng lớp lớp di tích, di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ văn hoá lớn nhất của đất nước”.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 15

Di sản văn hóa được công nhận, bảo tồn góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương cũng như ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản này. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động... tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, hay nói cách khác, di sản đã tỏa sáng khi hòa mình vào nhịp phát triển của Thủ đô.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 16

Nhắc tới quận Hoàn Kiếm, không thể không nhắc tới khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường”, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ, miếu, am… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Kim hoàn…). Ngày 5/4/2004, khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra Quyết định công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 17

Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, hiện nay, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Tiêu biểu như ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Đền Quan đế 28 Hàng Buồm, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) 22 Hàng Buồm, đình Nam Hương 75 Hàng Trống…

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 18

“Trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20.000 lượt khách đến với không gian phố đi bộ. Qua đó, góp phần đưa lượng khách du lịch quốc tế có lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Phố đi bộ trở thành điểm đến văn hóa đồng thời đóng góp rất lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm nói riêng, TP Hà Nội nói chung” – bà Trần Thị Thúy Lan cho biết.

Hay với Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/8/2010 trên 3 tiêu chí nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Hoàng thành Thăng Long có diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 19

Theo TS Bùi Thị Thu Phương - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đến nay sau 14 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, với mục tiêu đưa di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định ngoài việc đưa ra các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn đề ra các kế hoạch phát huy giá trị của khu di sản. Trong đó, tổ chức các sự kiện thường niên gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu để công chúng biết và tham dự như: lễ Khai Xuân dịp Tết Nguyên Đán, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ…

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 20

Theo thống kê, chỉ tính riêng 4 ngày, từ mùng 1 Tết (ngày 10/2) đến mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (ngày 13/2), lượng khách đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đạt hơn 50.000 lượt khách. Nhiều hoạt động sôi nổi, đậm bản sắc văn hóa ngày Tết truyền thống đã thu hút hàng vạn du khách đến với khu di sản Hoàng Thành Thăng Long để được sống trong không gian và phong tục Tết truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, với những ước nguyện về một mùa Xuân đầm ấm, hạnh phúc, đủ đầy.

Hoàng thành Thăng Long cùng với những địa chỉ di sản văn hóa khác góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô khi theo thống kê, tính chung 7 tháng năm 2024, khách du lịch đến Thủ đô đạt 3,494 triệu lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế ước đạt 2,433 triệu lượt người. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội trong 7 tháng đạt 63.602 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể khẳng định, kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.

(còn nữa)

Di sản văn hóa sau công nhận, làm gì để tỏa sáng? - Ảnh 21

07:36 06/08/2024