Những bài học thực tế
Vi phạm trong trùng tu di tích tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn là bài học thời sự của ngành văn hóa. Rất nhiều cấu kiện có giá trị di sản 300 năm, thậm chí gần một thế kỷ của nhà Tổ, gác Khánh bị hủy hoại chỉ vì sự thiếu hiểu biết về di sản.
Và gần một năm sau, với "của đống tiền" của Nhà nước, các nhà khoa học vẫn chưa thể phục dựng được các hạng mục của ngôi chùa gần với nguyên trạng. Vụ việc của chùa Trăm Gian là sai phạm điển hình của những người trùng tu không hiểu luật.
Chùa Trăm Gian sau khi trùng tu đã mất đi vẻ cổ kính. Ảnh: Dương Bắc
Thực tế, hiện nay có rất nhiều di tích được trùng tu đúng luật nhưng vẫn bị "trẻ hóa" hoặc biến dạng. Đầu tiên phải kể đến nỗi thất vọng lớn mang tên "thành nhà Mạc" ở Tuyên Quang. Với số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng, cũng đầy đủ quy trình, nhưng kết quả là hình ảnh "xây mới một cái lò gạch không hơn không kém".
Hay dự án trùng tu Ô Quan Chưởng, một di tích điển hình của Thăng Long - Hà Nội, cũng vấp phải búa rìu dư luận. Trước những thực tế bức xúc này, thời gian gần đây, các nhà quản lý văn hóa đã liên tiếp đưa ra các quy định, văn bản nhằm tìm ra ngọn nguồn của sai phạm.
Và rõ ràng một trong những nguyên nhân lớn mà người ta nhận ra là hành động thiếu khoa học trong hoạt động thiết kế tu bổ di tích.
Những quy định lần đầu
Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL bao gồm 6 chương, 31 điều quy định cụ thể những nguyên tắc trong hoạt động thiết kế, thi công tu bổ di tích, cũng như công tác thanh, kiểm tra quá trình tu bổ di tích…
Cụ thể, Thông tư nhấn mạnh đến yếu tố ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích. Hoạt động thi công tu bổ được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích và tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng, về di sản văn hóa.
Như vậy, bên cạnh việc trùng tu di tích theo đúng Luật Di sản được quy định bằng nhiều văn bản trước đó, đây là lần đầu tiên, vấn đề bảo quản, gia cố di tích trước khi trùng tu được đưa vào quy định.
Điều này góp phần làm cho quá trình trùng tu khoa học hơn, nâng tỷ lệ nguyên trạng của di tích sau khi trùng tu.
Thông tư cũng quy định rõ điều kiện năng lực và hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia các công đoạn như: Lập quy hoạch, dự án tu bổ, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế và thi công tu bổ di tích phải có từ 2 - 3 người có chứng chỉ hành nghề, có 2 năm kinh nghiệm hoặc ít nhất đã từng làm công việc trên ở 2 dự án.
Đây cũng là lần đầu tiên, ngành văn hóa không còn đưa ra những quy định chung chung như: Người lập quy hoạch di tích, thiết kế và thi công... phải có chứng chỉ và kinh nghiệm làm nghề.
Thông tư đã cụ thể hóa bằng những con số mang tính thước đo khiến các chủ đầu tư và tổ chức thi công tu bổ di tích không còn đường mập mờ chối cãi cái gọi là kinh nghiệm cũng như khả năng làm nghề.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa dân gian Việt Nam lại băn khoăn: "Hiện nay, lực lượng những người có nghề trong công tác lập quy hoạch cũng như thiết kế thi công tu bổ di tích ở Việt Nam còn thiếu và yếu.
Trong khi đó, lượng di tích mỗi năm cần tu bổ lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn. Nếu cứ chiếu theo quy định này thì các chủ đầu tư dự án tu bổ và tổ chức thi công tu bổ di tích có tìm đủ người".
Chính vì vậy, để trước khi Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL có hiệu lực (1/7/2013), và để những quy định trong Thông tư hợp với thực tế, điều mà ngành văn hóa phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là lực lượng những người có nghề. Làm tốt được công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng thì vấn đề trùng tu di tích mới có cơ hội tìm "chuẩn".