Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương:

"Địa bàn Hà Nội không có rau không an toàn"

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Khi canh tác rau, bà con phải tuân thủ theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Xuyên suốt quá trình sản xuất, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, trên địa bàn TP không có rau không an toàn…”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị liên quan đến chất lượng các sản phẩm rau hiện đang được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô. Dù vậy, câu chuyện về rau an toàn vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Không còn canh tác “cha truyền con nối”

Ông có thể đánh giá về hiện trạng canh tác rau hiện nay trên địa bàn Hà Nội?

- Hiện nay, tổng diện tích canh tác rau của Hà Nội vào khoảng 15.000ha. Trong số này có hơn 200ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại là rau canh tác theo phương thức an toàn. 21/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội vẫn còn những diện tích canh tác rau. Trong đó, tập trung chủ yếu tại một số huyện như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm…

Canh tác rau an toàn tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Canh tác rau an toàn tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Những diện tích rau của Hà Nội đang được canh tác như thế nào, thưa ông?

- So với nhiều năm về trước, việc canh tác rau của bà con đã và đang đi theo hướng chuẩn hoá, thay vì phương thức “cha truyền con nối”. Người nông dân thường xuyên được cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật tuyến cơ sở tập huấn, hướng dẫn cách thức chăm sóc rau theo hướng an toàn, tuân thủ theo đúng Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về phương thức bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản…

Việc giám sát an toàn chất lượng của các sản phẩm rau được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được Sở NN&PTNT Hà Nội giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về sản xuất rau an toàn của các nông hộ. Cán bộ thuộc các trạm thường xuyên nắm bắt thông tin cơ sở để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định trong quá trình canh tác rau.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng tổ chức lấy mẫu rau để đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thường xuyên. Trung bình mỗi năm, Chi cục lấy từ 1.000 – 2.000 mẫu rau. Kết quả đánh giá một vài năm gần đây cho thấy tỷ lệ mẫu rau vượt ngưỡng các hợp chất không được phép còn khoảng 2%, chủ yếu là tồn dư một số hợp chất được phép sử dụng.

Nguy cơ từ “rau du nhập”

Bên cạnh nguy cơ từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không đúng cách, theo ông, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn hiện nay còn thách thức nào khác?

- Dù có gần 15.000ha canh tác nhưng Hà Nội vẫn chưa thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ đối với các sản phẩm rau an toàn. Hiện, TP vẫn đang phải nhập từ các nguồn khác gần 30% tổng nhu cầu về rau xanh để cung ứng cho thị trường gần 11 triệu dân.

Cá nhân tôi cho rằng, rau tiêu thụ trên thị trường của nông dân Hà Nội là an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, đối với nguồn cung rau từ các tỉnh, TP trên cả nước đưa về tiêu thụ tại Hà Nội thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nguồn rau này có thể thâm nhập vào hệ thống chợ, chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị và đến tay người tiêu dùng.

Rau an toàn được tiêu thụ tại cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.
Rau an toàn được tiêu thụ tại cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.

Một vấn đề hiện nay là các sản phẩm rau thường được gắn nhiều nhãn mác, chứng nhận không do cơ quan Nhà nước cấp. Điều này có gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng?

- Thực tế hiện nay có nhiều đơn vị được chỉ định phân tích, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm trồng trọt (trong đó có rau củ quả). Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị là các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị thực hiện chứng nhận nhưng không thông tin, trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, dẫn đến công tác quản lý của Sở NN&PTNT còn những khó khăn bất cập.

Liên quan đến vấn đề này, tôi đề nghị các đơn vị có thẩm quyền chỉ định đơn vị cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp cần yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp tăng cương công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và xử lý nghiêm vi phạm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh rau. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan Nhà nước nhằm quản lý, tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn trên địa bàn Thủ đô.

Muốn phát triển được những vùng rau an toàn, chất lượng cung ứng cho thị trường Hà Nội, theo ông cần thêm những giải pháp gì?

- Bên cạnh quy hoạch vùng trồng để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, việc tập trung thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc tuân thủ các quy định sản xuất, kinh doanh an toàn là điều rất quan trọng. UBND TP cũng cần nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân gia tăng giá trị từ canh tác nông nghiệp nói chung, rau an toàn nói riêng.

Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện chúng tôi cũng đang tích cực nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và định mức kỹ thuật để trình UBND TP xin ý kiến của HĐND TP thông qua, nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng.

        Xin cảm ơn ông! 

 

“Ngành nông nghiệp Hà Nội thường xuyên khuyến cáo bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm 3 đúng, gồm: đúng loại thuốc, đúng loại cây trồng và đúng loại sâu bệnh; nhưng quan trọng nhất là chỉ nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng phòng trừ. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng phối hợp cùng các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để nâng cao chất lượng cho rau an toàn…”

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương