Địa phương, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp trong tình hình mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị tổng kết công tác ngành nông nghiệp và PTNT năm 2021 của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng 29/12, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển “tam nông” trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các địa phương, DN đánh giá cao kết quả mà toàn ngành nông nghiệp và PTNT đã đạt được trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp… Thành quả đó, theo đại diện một số địa phương, DN là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của các thành phần kinh tế.
Cần thêm chính sách hỗ trợ 
Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định tăng trưởng khoảng 2,9%; trong đó, 3 nhóm lĩnh vực chính gồm trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản đều tăng trưởng dương. Bình Định tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
Dù vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cũng chia sẻ một số khó khăn trong phát triển “tam nông”. “Bệnh viêm da nổi cục đã khiến hơn 22.000 con trâu, bò trên địa bàn buộc phải tiêu huỷ. Tỉnh đã có chính sách cho vay tái đàn vật nuôi; tuy nhiên kiến nghị Bộ có chính sách hỗ trợ thêm…” – ông Nguyễn Phi Long nêu đề xuất. 
Nông nghiệp cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Ảnh minh hoạ.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho rằng, việc trồng rừng gỗ lớn là cần thiết nhưng chính sách thu hút đầu tư còn thiếu. Liên quan đến phát triển cảng cá, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư kinh phí để xây dựng các cảng tránh trú bão. Ngoài ra, năm nào tỉnh cũng bị lũ lớn; đề nghị các bộ ngành quan tâm, nâng cấp khả năng tiêu thoát lũ cho hồ chứa…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, năm 2021, địa phương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hiện, 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt bình quân 61 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp 127 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 0,09%...
Để thúc đầy “tam nông” phát triển, ông Võ Văn Phi đề nghị Trung ương sớm tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới ban hành các đề án thành phần để địa phương thực hiện. Đối với Bộ NN&PTNT, kiến nghị phối hợp với Bộ TN&MT tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất nông lâm nghiệp…
Tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2021 các mô hình kinh tế tuần hoàn xanh tiếp tục được quan tâm. Địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Năm 2021, địa phương đã phát triển được thêm hơn 100 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP là trên 400.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, khó khăn lớn hiện nay là thu nhập của nông dân nhìn chung còn thấp. Thời gian tới, đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Có chính sách hỗ trợ hộ trồng lúa thuộc chương trình bảo đảm an ninh lương thực. Đặc biệt là sớm ban hành khung pháp lý xử lý tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, vấn đề mà thời gian qua Đồng Tháp gặp rất nhiều.
Tháo gỡ bài toán vốn, logistics và thị trường tiêu thụ
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các tỉnh, TP, hoạt động của DN không bị ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, để thích ứng với dịch bệnh phức tạp, cần đánh giá lại dư địa xuất khẩu trong các lĩnh vực, nhất là rau quả. Phát triển mạnh các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. 
Chế biến dứa tại nhà xưởng của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Theo ông Đinh Cao Khuê, để nâng cao giá trị thì phải kết hợp xuất khẩu trái cây tươi lẫn sản phẩm chế biến sâu. Do đó, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện phát triển chế biến sâu. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng nghiên cứu kéo dài thời gian vay vốn để khuyến khích DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp… 
Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu tôm của Công ty CP tập đoàn Minh Phú trong năm 2021 vẫn đạt khoảng 657 triệu USD. Tuy nhiên con số này bị giảm so với năm 2020. Để phát triển thuỷ sản bền vững theo định hướng thị trường, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Minh Phú kiến nghị Bộ NN&PTNT cần phát triển ngành tôm theo hướng giá trị cao hơn thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. 
“Hiện, công nghệ chế biến tôm của Việt Nam tương đối tốt, nhưng trong 3 - 5 năm nữa, đây không còn là lợi thế của nước ta nữa. Các nước như Ecuador hay Ấn Độ đang gia tăng sản xuất hàng chất lượng cao. Nếu ngành tôm không chuyển dịch thì sẽ bị đi xuống...” – ông Lê Văn Quang đưa ra cảnh báo. 
Đại diện Công ty CP tập đoàn Minh Phú kiến nghị các bộ ngành cần sớm quy hoạch lại ngành tôm theo hướng bài bản, thuận thiên, dựa trên nền tảng số. Phát triển nguồn giống tôm nước lợ chất lượng, cung cấp cho nuôi trồng tôm thương phẩm – đây là yếu tố rất quan trọng nhưng hiện vẫn đang phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu.
Là một trong những lĩnh vực có giá trị xuất khẩu vượt trội, tuy nhiên, các DN lâm nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Cao Chí Công cho biết, do đặc điểm của ngành gỗ đòi hỏi lực lượng lao động lớn, bởi vậy để cộng đồng DN thích ứng an toàn, linh hoạt, đề nghị Bộ Y tế và các địa phương hỗ trợ tiêm vaccine mũi 3 cho lao động khu vực kinh tế này. 
Bên cạnh đó, ông Cao Chí Công cũng đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gỗ, để loại bỏ triệt để gỗ nhập khẩu và lưu hành bất hợp pháp tại Việt Nam. Cùng với đó, đề nghị các bộ ngành phát triển mạnh mẽ hơn dịch vụ logistic; tiếp tục nghiên cứu, trao đổi mở rộng thị trường nhập khẩu lâm sản. Kịp thời cảnh báo rủi ro thị trường cho các DN ngành gỗ biết, chủ động sản xuất…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần