Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thu Thuỷ đã giới thiệu đến đại biểu đại diện các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp... về những nội dung của Đề án ngành thú y với 8 khía cạnh chính. Theo đó, Đề án sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Đề án cũng chú trọng nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y; nghiên cứu thú y và quản lý các dịch vụ thú y. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Sau khi Quyết định số 414/QĐ-TTg được ban hành, ngày 1/4/2021, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT ký ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCSĐ tổ chức triển khai Đề án ngành thú y. Kế hoạch đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ kèm theo giải pháp tương ứng với các nội dung.
Ngày 14/4/2021, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung triển khai những nội dung thuộc Đề án ngành thú y. Trong đó, sớm tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt kế hoạch bảo đảm đúng các nội dung tại Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 02-KH/BCSĐ của Bộ NN&PTNT.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, những năm qua tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn về con người và kinh tế. Điển hình là dịch Covid-19 đang diễn ra, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bước đầu xác định là có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó là dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng… Chính vì vậy, việc tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong tình hình hiện nay.
Thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xây dựng và từng bước tổ chức triển khai các nội dung của Đề án ngành thú y bảo đảm đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Về phía Bộ NN&PTNT, hàng năm sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Đề án tại cơ sở…