Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm, phòng ngừa tai nạn lao động
Kinhtedothi – Thời gian qua liên tục xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học, công ty sản xuất khiến dư luận bất an. Song song đó, tình trạng tai nạn lao động trong các loại hình DN cũng là mối quan tâm của các ban, ngành.
Cơ sở kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể cần tuân thủ gì?
Ngày 23/5, Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “An toàn thực phẩm - An toàn lao động công nghệ cao”, với sự tham dự của đại diện nhiều DN trong và ngoài nước.
Ông Trương Thành Công - Phòng Quản lý hành nghề Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua tình trạng ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nhà ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất còn diễn biến phức tạp.

Các bước bảo đảm thức ăn an toàn.
Ô nhiễm thực phẩm dẫn đến xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học, gây hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người. Vậy làm thế nào bảo đảm ATTP trong bảo quản, chế biến? Theo ông Trương Thành Công, có 5 bước đảm bảo ATTP, gồm: giữ vệ sinh sạch sẽ (rửa tay trước khi nấu nướng, sau khi đi vệ sinh; rửa sạch đối với đồ dùng để chế biến thức ăn; giữ gìn và bảo quản thức ăn, nhà bếp khỏi côn trùng…); bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín; nấu kỹ thức ăn; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; sử dụng nước sạch và các thực phẩm tươi sống.
Đối với các bếp ăn tập thể phải tuân thủ các nguyên tắc: bếp ăn được bố trí đảm bảo không ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và đã qua chế biến. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Quy chuẩn bếp ăn tập thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng theo ông Trương Thành Công, để bảo đảm ATTP, các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.
Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận, không mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
Tại các khu vực bếp ăn tập thể phải đảm bảo sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn…
Thực trạng tai nạn lao động và cách phòng ngừa
Tại hội thảo, ông Đinh Cao Tuấn - chuyên viên Phòng Việc làm an toàn lao động Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh trình bày về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên cả nước trong năm 2024, nguyên nhân TNLĐ và cách phòng ngừa.

Chuyên gia lao động của doanh nghiệp trình bày giải pháp an toàn lao động trong lắp ráp cơ khí.
Theo ông Tuấn, năm 2024 cả nước xảy ra 8.286 vụ TNLĐ, tăng 892 vụ (tương ứng 12,1% so với năm 2023), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người, tương ứng với 12,2%). Các vụ TNLĐ xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động. Về tình hình TNLĐ chết người theo loại hình cơ sở sản xuất, như: công ty TNHH chiếm 28,4% số vụ và 27,5% số người chết; công ty cổ phần chiếm 26,12% số vụ và 27,19% số người chết; DN 100% vốn nước ngoài chiếm 6,8% số vụ và 7,52% số người chết; DN Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 5,75% số vụ và 6,40% số người chết.
Ông Đinh Cao Tuấn chia sẻ thêm, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người cao nhất thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản (chiếm 16,3% tổng số vụ, 15,17% tổng số người chết); kế đến là lĩnh vực xây dựng (chiếm 13,25% tổng số vụ, 11,15% tổng số người chết); sản xuất vật liệu xây dựng (chiếm 9,72% tổng số vụ, 11,25% tổng số người chết); cơ khí, luyện kim; dịch vụ; dệt may, da giày…
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ chết người, do tổ chức lao động và điều kiện lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ); người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và do bản thân NLĐ…

Cách phòng ngừa tai nạn lao động trong sản xuất.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, thiệt hại vật chất (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...) do TNLĐ xảy ra năm 2024 là trên 42.565 tỷ đồng (tăng khoảng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023). Thiệt hại về tài sản trên 492 tỷ đồng (giảm khoảng 230 tỷ đồng so với năm 2023). Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ trên 154.759 ngày (tăng khoảng 4.989 ngày so với năm 2023)…
Vậy làm thế nào để đảm bảo ATLĐ, ông Đinh Cao Tuấn khẳng định, cần tuân thủ hướng dẫn công việc, nội quy, quy định; kiểm tra, đánh giá máy móc, khu vực làm việc trước khi làm; báo cáo với quản lý khi phát hiện bất kỳ yếu tố nào không đảm bảo an toàn; sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong suốt quá trình làm việc.

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải đi bộ - chạy bộ “Tự hào Thành phố tôi yêu” Cúp Agribank 2025
Kinhtedothi - Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh tổ chức Giải đi bộ - chạy bộ “Tự hào Thành phố tôi yêu” Cúp Agribank 2025. Sự kiện này đã được sự chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh giám sát chặt biến chủng Omicron XEC
Kinhtedothi – Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn diễn ra chiều 22/5, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) Lê Hồng Nga đã thông tin về diễn biến Covid-19 tại TP.

TP Hồ Chí Minh: quy định giá thu gom rác thải sinh hoạt áp dụng từ ngày 1/6
Kinhtedothi – Mức giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/6, theo Quyết định 67/2025/QĐ-UBND ngày 7/5/2025 của UBND TP Hồ Chí Minh về ban hành quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.