Ngày 4/11, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định về việc điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TP Rạch Giá, huyện Châu Thành và huyện Hòn Đất.
Theo đó, 3 địa phương này sẽ áp dụng chống dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam). UBND tỉnh Kiên Giang giao Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, huyện Châu Thành và huyện Hòn Đất tổ chức đánh giá và công bố cấp độ dịch trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý. UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các trường hợp cấp thiết.
Theo báo cáo của Sở Y tế Kiên Giang, từ 19 giờ ngày 2/11 đến 19 giờ ngày 3/11, Kiên Giang ghi nhận 477 ca mắc F0 mới, nâng tổng số ca mắc tính từ ngày 21/6 đến 19 giờ ngày 3/11 lên 11.214 ca.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Vĩnh Long từ 0 giờ ngày 5/11 đến hết ngày 11/11, nhằm để đảm bảo công tác điều tra, truy vết và xét nghiệm sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP Vĩnh Long, sớm bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Vĩnh Long chỉ được bán mang đi và phải đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch theo quy định.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND TP Vĩnh Long và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tốc độ điều tra, truy vết và xét nghiệm sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao nghi nhiễm F0 trên địa bàn TP Vĩnh Long, sớm bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng và đảm bảo công tác phòng chống dịch được an toàn, hiệu quả.
Tại Bạc Liêu, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, gây áp lực rất lớn cho tỉnh trong việc phòng bệnh, điều trị… Ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, trong 10 ngày qua, tình dịch dịch diễn biến rất phức tạp; số lượng F0 tăng rất nhanh, gây áp lực rất lớn đến việc phòng bệnh, điều trị trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống điều trị quá tải một cách nhanh chóng làm cho áp lực rất lớn lên cả hệ thống y tế và chính quyền.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp rất quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Dù vậy, với nguồn lực hiện tại cơ sở vật chất của ngành y tế của Bạc Liêu còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực không bảo đảm cho công tác phòng chống dịch với số lượng F0 tăng như vừa qua.
Theo ông Bùi Quốc Nam, năng lực y tế địa phương trước đây có khả năng tiếp nhận, điều trị khoảng 2.000 F0, nay đã chuẩn bị phương án cho 5.000 F0; trong đó hơn 100 ca nặng (tầng 3). Địa phương trưng dụng tối đa các cơ sở y tế hiện có để điều trị F0 và truy vết, các khu cách ly F1 nghiêm ngặt để khi phát hiện F0 sẽ quản lý điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cộng đồng.
Đến nay, Bạc Liêu đã nhận được sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Bạc Liêu cũng kiến nghị Quân khu 9 để hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ chống dịch, trang thiết bị. Tỉnh cũng vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất thuốc men, đồ bảo hộ… phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 4.480 ca F0, tăng gần 10 lần so với đầu tháng 10. Trước bối cảnh này, Chủ tịch UBND Bạc Liêu Nguyễn Văn Thiều đã quyết định công bố cấp độ dịch toàn tỉnh từ cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) lên cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao)...