Dịch Covid-19: Phó Tổng thống Mỹ phải tự cách ly, Anh kéo dài lệnh phong tỏa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến ít nhất là ngày 1/6, trong khi đó Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hiện đang tự cách ly sau khi một trợ lý của ông dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 11/5, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 280.000 người.
Trên toàn thế giới có 4.174.579 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 283.602 trường hợp tử vong, 1.483.074 ca hồi phục và 47.016 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.365.532 ca nhiễm bệnh Covid-19, tăng 19.200 ca so với hôm trước. Thêm 728 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 80.732.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang tự cách ly sau khi một trợ lỳ của ông được chẩn đoán nhiễm bệnh Covid-19.
Hãng tin Bloomberg ngày 10/5 đưa tin Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang tự cách ly khỏi Nhà Trắng sau khi một trợ lỳ của ông được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2.
Dẫn 3 nguồn tin thân cận, Bloomberg cũng cho biết Phó Tổng thống Pence đã liên tục có kết quả âm tính với virus, kể cả trong ngày 10/5. Theo nguồn tin, cả ông Pence và Tổng thống Donald Trump đều được xét nghiệm định kỳ. Hiện Phó Tổng thống Pence đang ở nhà ở Washington, trong khi Nhà Trắng chưa phản hồi với yêu cầu bình luận về thông tin này.
Đến nay đã có ít nhất 3 quan chức chống dịch hàng đầu của Mỹ phải tự cách ly từ hôm 9/5, sau khi tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-CoV-2. Đó là các ông Anthony Fauci - Giám đốc Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, ông Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), và ông Stephen Hahn - Ủy viên Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA). 
Đây là những quan chức Mỹ mới nhất phải cách ly, sau khi thông tin báo chí cho hay bà Katie Miller - thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 8/5 được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, và chồng bà - một cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump -  rất có thể cũng bị lây từ vợ.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, báo cáo tăng 1.880 ca nhiễm virus SARS-CoV, nâng tổng số người mắc lên 264.663. Nước này ghi nhận thêm 143 người chết do mắc Covid-19, nâng tổng số lên 26.621, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Italia.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động khi chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại, trong khi người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với quy mô dưới 10 người.
Italia ghi nhận thêm 802 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong ngày 10/5 và 165 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 219.070 và 30.560.
Italia dần nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3 để ngăn dịch Covid-19. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.
Italia ghi nhận thêm 802 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong ngày 10/5.
Anh vượt Italia, thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 219.183 ca nhiễm, tăng 3.923 ca. Nước này cũng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 31.855 ca tử vong, tăng 268 ca so với trước đó 1 ngày.
Ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, lệnh phong tỏa tại nước này do dịch Covid-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới, trong bối cảnh ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại vốn được áp dụng cách đây 7 tuần.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Johnson nói: "Tuần này không phải là lúc dễ dàng để chấm dứt phong tỏa", tuy nhiên, ông nói thêm rằng một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/6.
Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cho hay một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ ngày 1/7, song cảnh báo các hành khách đáp máy bay tới Anh sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly.
Nga báo cáo thêm 11.012 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 209.688. Số người chết tăng lên 1.915 sau khi ghi nhận 88 ca tử vong mới, trong đó thủ đô Moscow là tâm dịch.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tuyên bố gia hạn lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn Covid-19 tới ngày 31/5. Người dân Moskva cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay ở tất cả các địa điểm và phương tiện giao thông công cộng từ ngày 12/5.
Nga báo cáo thêm 11.012 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 209.688.
Nga hôm 9/5 hoãn tổ chức duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2020) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tại Pháp, tính đến tối 10/5, số ca tử vong vì Covid-19 là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa hôm 17/3.
Thống kê cho thấy, Pháp hiện có 176.970 người nhiễm Covid-19, trong đó có 22.569 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 45 ca so với một ngày trước) với 2.776 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 36 ca).
Pháp sẽ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5, các cửa hàng không thiết yếu được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh, trừ những trung tâm thương mại lớn hơn 40.000 m². Trên các phương tiện giao thông công cộng, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các trường mẫu giáo và tiểu học, nếu đủ điều kiện, có thể tiếp đón tối đa 15 học sinh/lớp. Các trường trung học cơ sở được phép hoạt động từ ngày 18/5 trong các vùng ít nguy cơ.
Đức ghi nhận thêm 456 ca nhiễm, nâng tổng số lên 171.780, trong đó 7.560 người chết, tăng 11 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.
Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp dần dần tái mở cửa.