Tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, thời gian gần đây ghi nhân số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng nhanh chóng. Các bác sỹ khuyến cáo người mắc bệnh cần được điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp chống lây lan sang những người lành.
Bùng phát trên diện rộng
Thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám tăng nhanh. Những tuần gần đây, Bệnh viện ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) đến khám, riêng tuần vừa qua là 800 ca.
Tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế-xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều 14/9, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam đã cung cấp thông tin về tình hình dịch đau mắt đỏ.
Ông Nam cho hay tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9; trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12-9). Số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, Khánh Hòa và nhiều tỉnh thành khác, số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ cũng liên tục gia tăng.
Theo Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ 1/9 đến 11/9, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.300 ca đau mắt đỏ. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, tháng Tám vừa qua, bệnh viện ghi nhận 1.472 ca mắc.
Bác sỹ Hoàng Cương - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết nếu như các năm trước, khi mới bước vào vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
Nhiều trường hợp bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám cho rằng dịch đau mắt đỏ năm nay lâu khỏi, liệu có phải nguyên nhân do chủng virus mới?
Theo bác sỹ Cương, các ca bệnh đau mắt đỏ lâu khỏi thường là do bệnh nhân khi mới bị đau mắt đỏ thường không đi khám ngay, người bệnh loay hoay nhỏ đủ kiểu thuốc không đỡ mới đi khám. Lúc này mắt bội nhiễm, thậm chí có giả mạc, thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng thị lực là rất lớn.
Bác sỹ Cương nhấn mạnh với những trường hợp đau mắt đỏ, khả năng lây mạnh nhất là khi có các triệu chứng toàn phát, thời điểm mắc ngày thứ 5 đến thứ 7. Nhưng 3 ngày trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian mất hai khoảng tuần.
Không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ
Phó giáo sư Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường tiếp xúc tay-mắt (tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh rồi tay đó lại chạm vào các vật dụng khác, làm lây truyền mầm bệnh). Vì vậy, người bệnh khi bị đau mắt đỏ thì vệ sinh tay là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cần cách ly tương đối những người bị bệnh và những người chưa bị. Với những người đã bị đau mắt đỏ cần được bác sỹ thăm khám và chỉ định đúng thuốc.
Ngoài ra, các bác sỹ cũng lưu ý người bị đau mắt đỏ không đi bơi, hạn chế đến các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị... để tránh lây bệnh cho người khác. Trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ cần nghỉ học, để tránh lây bệnh cho người khác.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó mọi người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.
Người dân cần chú ý chăm sóc cho trẻ khi bị bệnh đau mắt đỏ. Do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội, bệnh nhi có thể bị chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và những trường hợp có giả mạc thường lâu khỏi, khiến cha mẹ rất sốt ruột. Giả mạc rất dễ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm, nếu đến muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn.
Ngoài ra, các bác sỹ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên (khỏi sau 7 đến 10 ngày). Nhưng người bệnh nếu để lâu, điều trị chậm có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc phù hợp, chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm.
Bác sỹ Cương phân tích các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là polymyxin, neomycin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethasone (có tác dụng chống viêm rất tốt).
Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau. Tuy nhiên, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Chẳng hạn như người bệnh bị nấm giác mạc, nếu không biết, cứ thấy ngứa, đỏ mắt là mua thuốc corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.
Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo khi bị đau mắt đỏ, người bệnh thực hiện việc vệ sinh mắt, cách ly với người nhà, cho học sinh nghỉ học, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, nên cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử.